Hiện nay, cuốn sách được nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh tin tưởng khi dạy và học toán ở bậc tiểu học là cuốn “Bài tập cuối tuần toán 5, tập 2”.
Bài toán "Tính diện tích hình tô màu" nhưng không có màu
Cuốn này nằm trong bộ sách “Bài tập cuối tuần toán” từ lớp 1 đến lớp 5 do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Tuy nhiên cuốn sách này có khá nhiều lỗi.
Ở đề A, tuần 20 có bài tập 8 (trang 8) với nội dung: “Tính diện tích phần tô màu, biết: OB = 10 cm, AB = 7 cm”. Bài toán cho thêm hình ảnh minh họa là 2 hình tròn đồng tâm O, bán kính OA, OB; 3 điểm O, A, B thẳng hàng trong khi đó không hề có phần tô màu. Khi đọc đến đây, nhiều em học sinh lúng túng, không biết giải bài toán ra sao. Có em để trống không làm, có em phải hỏi thầy cô, bố mẹ, lại có em tính diện tích cả 2 hình tròn trong bài.
Ở đề B, tuần 31, hai bài tập 10, 11 trong phần học sinh trình bày bài làm có nội dung như sau: “Tìm tổng của hai số, biết rằng nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 và số hạng thứ hai bớt 4,56 thì được 7,89.” (bài 10) và “Tìm hiệu hai số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 và số bé bớt 2,46 thì được 20,09.” (bài 11). Hai bài toán này cũng gây ra nhiều tranh cãi do đề bài không rõ ràng. Ở đây có 2 cách hiểu nội dung bài toán. Cách hiểu thứ nhất, đối với bài 10 là: tìm tổng của 2 số, biết rằng nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 đơn vị và số hạng thứ 2 bớt 4,56 đơn vị thì được tổng mới là 7,89. Còn cách hiểu thứ nhất với bài 11 là: tìm hiệu của 2 số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 đơn vị và số bé bớt 2,46 đơn vị thì được hiệu mới là 20,09. Tuy nhiên, lại có nhiều người cho rằng 2 bài tập trên có cách hiểu hoàn toàn khác. Đối với bài 10, có ý kiến cho rằng nên hiểu yêu cầu đề bài là: tìm tổng của 2 số, biết nếu số hạng thứ nhất thêm 1,23 đơn vị thì được 7,89 và số hạng thứ 2 bớt 4,56 đơn vị thì cũng được 7,89. Tương tự, cách hiểu thứ 2 ở bài 11 là: tìm hiệu của 2 số, biết rằng nếu số lớn bớt 1,35 đơn vị thì được 20,09 và số bé bớt 2,46 đơn vị thì cũng được 20,09. Cả 2 cách hiểu trên đều hợp lý khiến nhiều học sinh rất lúng túng khi làm bài.
Khi được trao đổi về nội dung bài, nhiều giáo viên tiểu học cũng e ngại khi đưa ra cách hiểu đề cũng như đáp án chính xác của bài. Mở phần lời giải thì được biết, đáp án được làm dựa trên cách hiểu thứ nhất vừa nêu. Tuy nhiên, lời giải ở bài tập 10 còn ghi sai số (đề là 4,56 thì đáp án ghi thành 4,65).
Một lỗi sai không thể bỏ qua trong cuốn sách này nằm ở bài tập 7 (trang 60), đề A, tuần 33. Nội dung đề bài “Tính diện tích hình tam giác có độ dài hai đáy là 6 m và 25 dm”. Chúng ta vẫn biết quy tắc tính diện tích hình tam giác là lấy độ dài cạnh đáy nhân với chiều cao tương ứng rồi chia cho 2 (đối với tam giác thường) hoặc lấy tích độ dài 2 cạnh góc vuông rồi chia cho 2 (đối với tam giác vuông). Bài toán này chỉ cho biết độ dài 2 đáy và cũng không chỉ rõ đó có phải là tam giác vuông hay không nên việc tìm ra một đáp án chính xác cho bài toán là hoàn toàn không thể, đặc biệt ở trình độ tiểu học.
Đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục lưu ý chỉnh sửa những lỗi sai nói trên.
NINH HẢI (TP Hải Dương)