Ngày 26.3, ít nhất 14 nước EU đồng loạt thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại Salisbury, Anh.
Cảnh sát Anh thu thập các bằng chứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury ngày 16.3
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Varna, Bulgaria, Chủ tịch EU Donald Tusk đã xác nhận động thái trên của 14 nước thành viên EU, đồng thời không loại trừ khả năng trong những ngày tới các nước sẽ áp dụng các biện pháp khác đối với Moskva, trong đó có các biện pháp trừng phạt trong khuôn khổ chung của EU.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đức cho biết vừa trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga, coi đây là hành động thể hiện sự đoàn kết với Anh. Pháp cho biết sẽ trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga trong vòng một tuần, trong khi Litva tuyên bố sẽ trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga, và cấm 44 công dân Nga nhập cảnh vào nước này. Đan Mạch, Hà Lan, Italy cũng thông báo mỗi nước sẽ trục xuất hai nhà ngoại giao Nga.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cho biết sẽ trục xuất bốn nhà ngoại giao Nga, đồng thời ra thời hạn để các nhà ngoại giao Nga rời nước này là vào nửa đêm ngày 3/4.
Trước đó, cùng ngày, các nhân viên an ninh của Ba Lan đã bắt giữ một quan chức chính phủ bị tình nghi cung cấp cho Nga những bí mật về chiến thuật mà Warsaw lên kế hoạch sử dụng nhằm tìm cách ngăn chặn việc xây dựng một đường ống dẫn khí.
Phát biểu với đài TVP Info, ông Stanislaw Zaryn - một quan chức Chính phủ Ba Lan, cho hay quan chức bị bắt giữ, được xác định danh tính là Marek W, bị bắt hôm 24/3, và một ngày sau đó, một tòa án đã thông qua thời hạn giam giữ nghi can này lên đến ba tháng.
Marek W, nắm giữ cương vị phụ trách các dự án năng lượng và đang cung cấp cho Nga thông tin về cách thức Warsaw dự định tiến hành nhằm ngăn chặn dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.
Thủ tướng Séc Andrej Babis cũng tuyên bố sẽ trục xuất ba nhà ngoại giao Nga. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết sẽ trục xuất 13 nhà ngoại giao Nga nhằm "thể hiện tình đoàn kết với Anh và các đồng minh phía bên kia Đại Tây Dương, cũng như với các nước EU."
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Estonia Sven Mikser cho biết sẽ trục xuất tùy viên quân sự tại Đại sứ Nga ở nước này. Theo Ngoại trưởng Mikser, Bộ Ngoại giao Estonia đã triệu Đại sứ Nga trao công hàm về việc trên.
Trong khi đó, Canada cũng ra lệnh trục xuất bốn nhân viên ngoại giao Nga và từ chối ủy nhiệm thư của ba nhân viên ngoại giao Nga khác. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Canada khẳng định vẫn duy trì "cam kết đối thoại và hợp tác với Nga đối với các vấn đề hai bên cùng đối mặt."
Phản ứng trước những động thái trên, hãng thông tấn Nga RIA dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Moskva sẽ đáp trả việc các nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Nguồn tin trên nhấn mạnh Nga sẽ "đáp trả tương xứng với từng nước một" và sẽ thông báo về việc này trong những ngày tới.
Ngày 4.3 vừa qua, ông Sergei Skripal và con gái Yulia được tìm thấy bất tỉnh trên một chiếc ghế tại một trung tâm thương mại ở thành phố Salisbury, Anh. Phía Anh cho rằng hai cha con ông Skripal bị tác động của một chất gây tê liệt thần kinh. Sau đó London khẳng định chất độc này được phát triển tại Nga và cáo buộc Moskva liên quan đến vụ việc.
Phía Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc này và khẳng định chương trình phát triển loại chất độc này không tồn tại ở Liên Xô cũ cũng như ở Nga. Mặc dù không đưa ra được bằng chứng nào, London đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh. Đáp lại, phía Nga cũng đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) ngày 22 - 23.3 lãnh đạo các nước EU đã bày tỏ tình đoàn kết với Anh, ủng hộ khẳng định của Anh rằng rất có thể Nga liên quan và triệu hồi Đại sứ EU tại Nga về để tham vấn.
Theo TTXVN