Việc CSGT gửi thông báo đến nơi cư trú, nơi công tác của người vi phạm nhưng không có phản hồi, cho thấy, nhiều cấp, ngành và địa phương vẫn đứng ngoài cuộc trong công tác bảo đảm trật tự ATGT...
Rất nhiều trường hợp vi phạm bị cảnh sát giao thông gửi thông báo về nơi công tác,
nơi cư trú nhưng hầu như không có phản hồi
Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 250 thông báo vi phạm trật tự ATGT được CSGT gửi đến địa chỉ người vi phạm. Trong đó, cấp huyện đã gửi khoảng 100 thông báo. Thượng tá Hà Xuân Sỹ, Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt cho biết, mẫu thông báo có 2 phần: phần trên ghi thông báo của CSGT, phần dưới dành cho nơi tiếp nhận cắt ra để điền vào và gửi lại cho cơ quan công an. Thế nhưng, đến nay CSGT mới nhận được 68 phản hồi.
Lãnh đạo Đội CSGT Công an thị xã Chí Linh cũng cho biết, 50 trường hợp thông báo vi phạm được gửi đến công an các xã, thị trấn nhưng đến nay không nhận được phản hồi. Theo danh sách của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, chúng tôi đã liên lạc với ông Kiên, Trưởng công an xã Tân Dân (thị xã Chí Linh) để hỏi về 5 trường hợp vi phạm tại địa phương đã được gửi thông báo. Song ông cho biết cũng chưa nắm được quy định.
Từ đầu năm đến nay, đã có hàng chục thông báo vi phạm gửi về phường Thanh Bình (TP Hải Dương). Tuy nhiên, theo cán bộ văn phòng UBND phường, địa phương vẫn chưa nhận được. Có thể do CSGT căn cứ vào địa chỉ trên giấy phép lái xe để gửi thông báo, trong khi phường Tân Bình và Thanh Bình tách làm 2 nên địa chỉ đã thay đổi. Trong khi đó, tại phường Tứ Minh, sau khi nhận được thông báo vi phạm gửi đến, công an phường đều lập sổ theo dõi người vi phạm. Đồng thời, thông báo trên hệ thống truyền thanh để giáo dục, nhắc nhở.
Ngoài việc một số cấp, ngành, địa phương chưa tự giác trong việc nhắc nhở, xử lý người vi phạm, thì việc thực hiện Thông tư 38 cũng nảy sinh một số vướng mắc. Trong đó, chủ yếu do người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú một nơi nhưng làm ăn sinh sống ở nơi khác. Thậm chí, đã chuyển hộ khẩu nhưng giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe vẫn ghi địa chỉ cũ nên thông báo không đến đúng địa chỉ. Thông báo vi phạm không chuyển qua đường công văn mà qua bưu điện nên có thể bị thất lạc. Đồng thời, cước chuyển phản hồi do các đơn vị, địa phương phải tự cân đối nên nhiều trường hợp không bỏ kinh phí ra để thực hiện quy định.
Thông tư 38 của Bộ Công an nhằm mục đích gắn trách nhiệm của các địa phương, nơi công tác của người vi phạm trong nhiệm vụ bảo đảm ATGT. Do đó, việc nơi nhận được thông báo áp dụng các hình thức xử lý như nhắc nhở, thông báo trên các phương tiện thông tin, ký cam kết không tái phạm... là rất cần thiết trong việc răn đe các đối tượng vi phạm.
TIẾN HUYTheo Thông tư số 38/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 của Bộ Công an, một số trường hợp vi phạm bị thông báo về nơi công tác, nơi cư trú: Không có giấy phép lái xe, hoặc có nhưng giấy phép không phù hợp với phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. |