Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5 g muối mỗi ngày, tương đương với một thìa cà phê. Tuy nhiên, đa số người Việt đều tiêu thụ muối nhiều gấp đôi so với khuyến cáo, gần 10 g mỗi người mỗi ngày song chỉ 16% số người được hỏi ý kiến nói rằng bản thân có ăn mặn.
Theo điều tra năm 2015, gần 90% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chế biến. Gần 20% thường xuyên ăn món chế biến sẵn có nhiều muối như dưa, cà muối, mì ăn liền, bim bim, lạc rang muối, hạt điều mặn, dưa chuột muối, pho mát, thịt muối và các loại thịt chế biến khác (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói, giò, chả...).
Nghiên cứu tại TP HCM cũng cho thấy đến 73% gia đình dùng mì ăn liền, 37% sử dụng thức ăn đóng hộp, 31% có ăn xúc xích... Trong khi đó, một gói mì ăn liền trung bình chứa 4,2 g muối; tương ứng 5-7 g muối trong mỗi 100 g sản phẩm. Trong một 100 g xúc xích cũng có 1,5-2,3 g muối.
Phó giáo sư Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ăn nhiều muối là nguyên nhân chính dẫn đến tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm khác. Ở nước ta hiện nay cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp, cứ 3 trường hợp tử vong thì có một do các bệnh tim mạch. Nguyên nhân chủ yếu là tai biến mạch máu não.
Ở các quốc gia phát triển, muối con người ăn hàng ngày chủ yếu là từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc ở nhà hàng (77%). Tại Việt Nam, muối ăn hàng ngày là từ gia vị nêm trong khi nấu ăn hoặc do chấm/trộn gia vị trên bàn ăn.
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe, người dân cần giảm một nửa lượng muối ăn vào hàng ngày. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cha mẹ nên rèn cho con thói quen ăn nhạt ngay từ nhỏ. Với người có thói quen ăn mặn, khi nấu ăn nên tuân thủ nguyên tắc giảm muối dần dần, ví dụ chỉ nêm nửa thìa muối so với trước đây một thìa.
Theo VnExpress