Bệnh đục thủy tinh thể (TTT) là bệnh của tuổi già nhưng thời gian gần đây có nhiều người trẻ bị mắc bệnh này.
Mới 41 tuổi nhưng anh Phạm Chiến Hữu đã phải phẫu thuật thay thủy tinh thể mắt
Anh Phạm Chiến Hữu (sinh năm 1975, ở xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ) đã phải thay TTT cả hai mắt tại Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương. Anh Hữu cho biết: “Đầu tiên thấy mắt bị mờ dần, lúc nào nhìn cũng như có lớp sương mù dày đặc, không rõ mặt người mà chỉ thấy hình dáng và phát hiện qua tiếng nói của họ”. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê lập nghiệp, anh Hữu mắc bệnh viêm đa khớp dạng thấp, điều trị kháng sinh liều cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thị lực của anh giảm nhanh. Đi khám các bác sĩ chẩn đoán anh mắc bệnh đục TTT, 2 mắt chỉ nhìn được 1/10. Sau phẫu thuật thay TTT, mắt anh Hữu đã sáng và làm được các công việc thường ngày.
Cũng như anh Hữu, anh Phạm Sỹ Bình (sinh năm 1967, ở đường Điện Biên Phủ, TP Hải Dương) cũng bị đục TTT. Là thợ may, anh thường xuyên làm việc liên tục, khi đôi mắt mờ dần, anh đi khám và phát hiện bệnh. Thay TTT, hai mắt anh Bình đã sáng trở lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thanh, Trưởng Khoa Mắt Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 người mắc bệnh đục TTT mới, chưa kể số bệnh nhân mắc cũ chưa được phẫu thuật và bệnh nhân hiện hữu ở cộng đồng chưa được phát hiện. Vài năm trở lại đây, bệnh này có xu hướng gia tăng, đặc biệt có khoảng 15% số bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Nguyên nhân chính của bệnh do hiện nay nhiều người bị mắc các chứng bệnh xương khớp, bệnh thận lạm dụng thuốc, đặc biệt thuốc kháng sinh dòng corticoid. Ngoài ra, đục TTT còn do nhiều yếu tố khác như chấn thương mắt và dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid lâu dài…
Trẻ bẩm sinh bị mắc bệnh đục TTT chiếm 0,04%, dễ gây nhược thị và khó phục hồi mắt nếu không được can thiệp sớm. Sự gia tăng đáng báo động của nhiều bệnh lý đi kèm cùng với tác động liên tục từ các yếu tố nguy cơ khiến mắt lão hóa sớm cũng là lý do làm bệnh đục TTT ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bên cạnh đó, sự tác động của các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống (hút thuốc lá, ít vận động, béo phì, thức khuya), môi trường ô nhiễm, sử dụng quá mức điện thoại, máy tính, ti vi… cũng rất đáng lo ngại cho mắt.
Thực tế hiện nay một số người có những hiểu sai về thay TTT như sẽ bị mù vĩnh viễn nên chỉ dám thay một mắt hoặc thậm chí không thay. Theo bác sĩ Nguyễn Quang Minh, Trưởng Khoa Điều trị mắt, Bệnh viện Mắt và Da liễu tỉnh, TTT đóng vai trò như một thấu kính hội tụ sẽ tồn tại mãi mãi trong mắt và không thể có phản ứng. Khi đặt TTT nhân tạo vào mắt sau thời gian khoảng từ 3 - 7 năm có thể xuất hiện tình trạng mắt mờ do đục bao sau hoặc thoái hóa võng mạc theo tuổi già. Việc điều trị rất đơn giản với biện pháp can thiệp bằng lade tạo lỗ thủng trong thời gian khoảng 15 - 20 phút, thị lực của bệnh nhân sẽ trở lại như ban đầu.
Bác sĩ Minh khuyến cáo ở giai đoạn đầu, triệu chứng của đục TTT thường không rõ khiến người bệnh khó nhận biết. Đến khi xuất hiện các dấu hiệu rõ hơn: nhìn mờ như qua màn sương, thấy quầng sáng quanh đèn vào ban đêm, chói mắt vào ban ngày, phân biệt màu sắc kém… nhiều người vẫn chủ quan không đi khám do không thấy đau nhức hay cho đó chỉ là biểu hiện thường gặp khi có tuổi, khiến bệnh trở nặng, TTT bị đục hoàn toàn gây mất thị lực.
Những cách phòng ngừa bệnh đục TTT hiệu quả và an toàn được các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo là bảo vệ mắt tránh tác động của các yếu tố môi trường như đeo kính khi ra nắng, hoặc đi trên đường để tránh tác hại của tia cực tím, tránh dị vật hoặc côn trùng vào mắt. Hạn chế uống bia rượu, hút thuốc lá là những tác nhân gián tiếp tàn phá đôi mắt. Tích cực rèn luyện cơ thể bằng chế độ vận động phù hợp; cần có chế độ ăn cân đối dinh dưỡng, ăn nhiều rau quả tươi, bổ sung các loại rau quả tốt cho mắt như cà rốt, cà chua, cải xanh, cam, bưởi… Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là nên kiểm tra mắt định kỳ tại cơ sở y tế chuyên khoa mắt để sớm phát hiện ra bệnh đục TTT và có hướng điều trị kịp thời.
NGUYỄN ĐỨC THÀNH