Tình trạng khai thác quá giới hạn cho phép, tỷ trọng cá tạp trong khai thác ngày càng tăng… dẫn đến nguồn lợi thủy sản mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi.
Sản lượng khai thác thủy sản đạt khoảng 4,5 triệu tấn/năm đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Bên cạnh sự phát triển, ngành thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển.
Suy giảm nguồn lợi thủy sản
Tình trạng khai thác quá giới hạn cho phép, tỷ trọng cá tạp trong khai thác ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi. Tổng trữ lượng hải sản của cả nước là 5,1 triệu tấn, khả năng khai thác bền vững tối đa là 2 triệu tấn nhưng hiện tại tổng lượng khai thác đã đạt 2,27 triệu tấn.
Chỉ riêng tại Hải Phòng, tình trạng khai thác tận lực các nguồn thủy sản đã ở mức báo động đỏ. Ông Vũ Văn Hợp – Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản Hải Phòng cho biết: “Nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng. Một số loài thủy sản quí hiếm đang dần mất đi như: cá sủ vàng kép, tôm he, cá nhụ, cá đé và một số loài cá khác… Chúng tôi muốn khôi phục lại những loài cá quí hiếm này bằng cách cho sinh sản nhân tạo, sau đó thả tái tạo và bảo vệ, tăng cường cho công tác lưu giữ”.
Thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác tận diệt làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm |
Ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục phó Cục Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, nguyên nhân trực tiếp làm suy giảm nguồn lợi thủy sản là số lượng tàu thuyền khai thác quá nhiều, đặc biệt là thuyền công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác tận diệt làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm, một số loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy.
Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt xa bờ vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Năm 2000, tổng sản lượng khai thác xa bờ đạt 192.000 tấn, đến năm 2006 con số này tăng lên khoảng 546.000 tấn. Điều này cho thấy nghề đánh bắt cá xa bờ ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Nguồn lợi thủy sản thuộc các thủy vực và nguồn lợi hải sản vùng ven bờ tiếp tục bị khai thác quá giới hạn cho phép, tỷ trọng cá tạp trong khai thác ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản mất dần khả năng tự tái tạo, phục hồi. Danh sách các loài thủy sinh quí hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng; số loài sinh vật thủy sinh ngoại lai, ngoại lai xâm hại có xu hướng tăng (ốc bươu vàng, cá chim trắng, rùa tai đỏ, cá hoàng đế, tôm hùm nước ngọt…).
Ngoài ý thức khai thác của người dân, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tận diệt các nguồn lợi thủy sản, theo ông Nguyễn Ngọc Oai là công tác điều tra nguồn lợi thủy sản được thực hiện không thường xuyên, thiếu thông tin cập nhật, các tư liệu khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; sự hiểu biết, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản vùng biển khơi còn rất hạn chế. Cho đến nay, Việt Nam chưa lập được bản đồ nguồn lợi thủy sản; hoạt động thống kê, báo cáo khai thác thủy sản mới chỉ dừng ở các qui định; hệ thống thống kê thủy sản bất cập, thiếu cấp cơ sở…
Cần các giải pháp đồng bộ
Thực tế, đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản còn hạn chế. Nhiều địa phương không được cấp kinh phí cho nội dung bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, thậm chí công tác điều tra nguồn lợi tại các vùng nước nội địa không được quan tâm.
Theo ông Vũ Văn Hợp, từ khi Chương trình 131 của Chính phủ (chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010) ra đời hầu hết các địa phương chưa được cấp kinh phí. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính sớm có chính sách để tiếp tục triển khai Chương trình 131. Chương trình này trong 6 năm qua dù chưa có kinh phí nhưng đã thúc đẩy công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Bên cạnh việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, cần xây dựng một số mô hình chuyển đổi nghề khai thác hợp lý, mô hình nuôi trồng thủy sản và các mô hình khác; Vận động và hỗ trợ chuyển nghề cho các hộ đang khai thác bằng các nghề sát hại nguồn lợi thủy sản ven bờ, đồng thời quy hoạch nghề khai thác thủy sản phù hợp với trữ lượng, nguồn lợi và khả năng cho phép khai thác, thậm chí đóng cửa luân phiên và định kỳ các ngư trường để nguồn lợi thủy sản có cơ hội phục hồi; thiết lập các vùng cấm hoặc hạn chế đánh bắt có thời hạn.
“Cần hạn chế việc mở rộng nuôi trồng quảng canh thủy sản ven biển. Đồng thời có biện pháp kiểm soát hiệu quả các công cụ đánh bắt hủy diệt” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho biết.
Ngoài ra, việc quản lý sinh vật ngoại lai cũng cần được sớm quan tâm và coi là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi có sự tham gia của nhiều ngành và các cấp chính quyền địa phương.
(Nguồn: VOV)