Nhiều khuất tất cần được làm rõ

20/12/2014 06:27

Trong vụ gà chết do điện đảo pha ở Hợp Tiến, từ "màn kịch" trả tiền đền bù của Công ty TNHH Điện Hợp Tiến đã lộ nhiều sai sót.








Trang trại nuôi gà đẻ của ông Mạc Văn Quang luôn duy trì 40 nghìn con

Vụ hàng loạt con gà đẻ tại 2 trang trại của ông Mạc Văn Quang, Mạc Văn Duẩn (cùng ở thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến, Nam Sách) chết do điện đảo pha đêm 1, rạng sáng 2-7 tưởng như đã khép lại. Tuy nhiên, từ "màn kịch" trả tiền đền bù của Công ty TNHH Điện Hợp Tiến đã lộ nhiều sai sót trong quá trình giải quyết vụ việc của các đơn vị liên quan.

Lãnh đạo quan liêu

Sau khi Báo Hải Dương đăng bài Việc Công ty TNHH Điện Hợp Tiến đền bù người nuôi gà 360 triệu: Chỉ là một "màn kịch", ngày 22-9, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) có Công văn số 6666/CV-PCHD-TTBV&PC gửi Giám đốc Công an tỉnh đề nghị làm rõ số gà chết thực tế tại 2 trang trại của ông Quang, ông Duẩn. Điện lực Hải Dương nghi ngờ số gà chết chỉ khoảng 1.000 con chứ không phải 5.400 con. Ngày 16-10, Điện lực Hải Dương tiếp tục có Công văn số 7159/PCHD-TTBV&PC đề nghị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Hải Dương khai quật hố chôn gà đã được tiêu hủy. Một số cán bộ xã Hợp Tiến chứng kiến vụ khai quật cho biết, số gà được tiêu hủy đóng trong các bao chỉ có 321 con.

Trở lại vụ việc trước đó, vào đêm 1 rạng sáng 2-7, nguồn điện 35kV cấp cho huyện Nam Sách bị đảo pha khiến quạt thông gió ở 2 trang trại nuôi gà đẻ của ông Quang, ông Duẩn sử dụng động cơ 3 pha quay ngược, nhiều con gà chết và ốm yếu vì ngạt. Nguyên nhân được xác định do tổ công nhân của Điện lực Chí Linh gồm 4 người khi khắc phục sự cố cháy đầu cáp xuất tuyến đường dây 35kV 371-E84 (trạm biến áp 110kV Phả Lại - Điện lực Hải Dương) đã đấu nhầm thứ tự các pha. Đơn vị ký hợp đồng cung cấp điện cho 2 trang trại là Công ty TNHH Điện Hợp Tiến - khách hàng của Điện lực Nam Sách.

Ngay trong sáng 2-7, đại diện lãnh đạo UBND huyện Nam Sách, lãnh đạo một số phòng chuyên môn của huyện Nam Sách; lãnh đạo UBND xã Hợp Tiến và đại diện lãnh đạo Điện lực Nam Sách đã có mặt tại hiện trường xác định nguyên nhân gà chết, kiểm đếm số lượng để làm căn cứ đền bù. Điều bất thường là tại biên bản kiểm tra lập lúc 8 giờ 30 ngày 2-7, các bên liên quan đã không tổ chức kiểm đếm cụ thể mà chỉ nghe thông tin từ 2 chủ trang trại và chính quyền xã Hợp Tiến báo cáo. Theo đó, trang trại ông Quang có 4.000 con gà chết, 3.000 con ốm yếu; trang trại ông Duẩn có 1.400 con chết, 1.000 con ốm yếu. Sự chủ quan có phần quan liêu của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan và sự tắc trách của cán bộ cấp dưới còn được thể hiện tại biên bản kiểm tra hiện trạng lập lúc 8 giờ ngày 2-7. Theo đó, số gà chết, gà ốm của 2 trang trại ông Quang, ông Duẩn không phải là những con số tuyệt đối mà chỉ là số tương đối (khoảng). Bản thân ông Đặng Thế Linh, Phó Giám đốc Điện lực Nam Sách - người đại diện cho ngành điện trực tiếp có mặt để giải quyết vụ việc cũng chỉ nghe báo cáo rồi ký vào biên bản mà không tổ chức kiểm đếm cụ thể. Ông Linh thừa hiểu rằng, chính ngành điện chứ không phải ai khác sẽ phải đền bù thiệt hại cho 2 chủ trang trại do sự cố điện đảo pha gây ra với chi phí cho mỗi con gà lên đến 180 nghìn đồng.

Cấp dưới phải đền

Từ sự quan liêu của cấp trên dẫn đến việc các công nhân tổ sửa chữa của Điện lực Chí Linh gây ra sự cố bị thiệt hại nặng nhất. Trong tổng số tiền 972 triệu đồng mà Điện lực Hải Dương phải đền cho 2 chủ trang trại thì 4 công nhân của tổ sửa chữa gây ra sự cố, gồm các anh: Vũ Mạnh Trung (tổ trưởng), Hoàng Khoái Lâm, Phương Quốc Liêm và Nguyễn Văn Tươi phải đền 432 triệu đồng. Không chỉ đền tiền, 4 công nhân còn bị cắt thưởng, hạ thi đua, chậm nâng lương, nâng bậc ít nhất 1 năm... Trong số 4 công nhân tổ sửa chữa có 2 người mới vào nghề tháng 6-2012, thu nhập chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng nên việc phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng/người để đền bù là số tiền lớn đối với họ. Nhiều công nhân đã phải thế chấp cả "sổ đỏ", sổ lương để vay tiền trả cho 2 hộ nuôi gà. Điển hình trong số đó là anh Phương Quốc Liêm không những phải thế chấp sổ lương của bản thân mà còn cả sổ lương của vợ và "sổ đỏ" đất ở mới vay đủ số tiền đền bù. Tổ trưởng Vũ Mạnh Trung cũng phải thế chấp sổ lương vay 67 triệu đồng và mượn thêm bạn bè để có tiền trả...



4 công nhân tổ sửa chữa của Điện lực Chí Linh chấp nhận bồi thường nhưng thiệt hại đến đâu thì đền đến đó


Làm việc với chúng tôi, cả 4 công nhân đều thừa nhận lỗi là do họ gây ra và coi đây là bài học lớn trong nghề nhưng họ bất bình về việc thông tin cho rằng số gà chết qua khai quật thấp hơn rất nhiều so với số tiền họ phải bỏ tiền ra đền. Những công nhân này còn cho rằng, nếu ngay từ đầu, các cơ quan, đơn vị liên quan xác định số gà chết chỉ là 321 con thì mức kỷ luật mà ngành điện áp dụng đối với họ cũng không cao như hiện nay. "Chúng tôi chấp nhận bồi thường những thiệt hại do chúng tôi gây ra nhưng thiệt hại đến đâu thì chúng tôi đền đến đó", anh Trung bức xúc. Ông Vũ Văn Yên, Giám đốc Điện lực Chí Linh cho biết, hiện ông cũng chỉ biết thông tin có sự gian lận của hai chủ trang trại gà từ Điện lực Hải Dương và qua báo chí chứ chưa nhận được kết luận chính thức từ cơ quan công an. 4 công nhân trong tổ sửa chữa vẫn chưa được nhận lại số tiền mà họ đã đền vượt quá số gà chết.

Đến thời điểm này chưa thể khẳng định được tổng số gà chết ở 2 trang trại của ông Mạc Văn Quang, Mạc Văn Duẩn chính xác là bao nhiêu nhưng chính từ sự quan liêu của lãnh đạo cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là của lãnh đạo Điện lực Nam Sách mà vụ việc trở nên phức tạp. Đề nghị cơ quan công an sớm có kết luận làm rõ.

SỸ THẮNG

Chỉ có 2 chủ trang trại mới biết chính xác số gà chết là bao nhiêu con nhưng nhiều lần chúng tôi liên hệ với ông Quang, ông Duẩn đều không gặp được. Sáng 16-12, chúng tôi đề nghị Công an xã Hợp Tiến xuống tận nhà mời 2 ông lên UBND xã làm việc nhưng ông Duẩn đi vắng, ông Quang cáo bận.

Ông Mạc Văn Phàn, Trưởng Công an xã Hợp Tiến cho biết, ông là người đầu tiên xuống hiện trường vào lúc 6 giờ ngày 2-7 sau khi 2 gia đình báo sự việc lên chính quyền xã. Tại các nhà ông Quang, ông Duẩn đều có một đống gà chết được tập kết ở sân. Trong trang trại, công nhân tiếp tục thu gom gà chết vận chuyển ra ngoài. "Sau khi xác định gà bị chết do ngạt, nhiều người dân đã lấy về làm thịt. Do đó, số gà chết thực tế lớn hơn con số công an khai quật, còn cụ thể bao nhiêu thì tôi không biết", ông Phàn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều khuất tất cần được làm rõ