Toàn tỉnh hiện có khoảng 565 nghìn con lợn, chăn nuôi phân tán vẫn chiếm đa số...
Mỗi tuần, gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn Lũng Thích, xã Thạch Lỗi (Cẩm Giàng) phun thuốc tiêu độc, khử trùng 3 lần
để phòng, chống dịch tai xanh cho đàn lợn
Thiếu vắc-xin
Tiêm phòng là biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên nhiều năm qua, tỉnh không có vắc-xin tai xanh để tiêm phòng cho đàn lợn. Chỉ khi nào dịch xuất hiện thì mới có vắc-xin tiêm phòng cho vùng bị dịch và vùng giáp ranh. Để chủ động phòng, chống dịch, Chi cục Thú y đã làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí mua 70 nghìn liều vắc-xin tai xanh và 80 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng. Tuy nhiên đến nay, tỉnh mới trích kinh phí mua được 28 nghìn liều vắc-xin tai xanh và 38 nghìn liều vắc-xin lở mồm long móng cho những nơi có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ của một số huyện, thị xã như: Tứ Kỳ, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Kim Thành, Ninh Giang... Số vắc-xin trên là để phòng, chỉ nơi nào có dịch thì mới được phép tiêm bao vây, dập dịch. Như vậy là đi ngược lại nguyên tắc phòng, chống dịch.
Chủ động tháo gỡ khó khănÔng Nguyễn Văn Quynh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y cho biết: "Do không có vắc-xin tiêm phòng nên các biện pháp phòng dịch được chúng tôi thực hiện đồng loạt. Để hạn chế các bệnh kế phát do vi-rút tai xanh gây ra, chúng tôi đẩy mạnh việc tiêm phòng vụ xuân. Kết quả, đã có 80% số lợn được tiêm phòng vắc-xin tả và 67% số lợn được tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng, đều tăng so với vụ xuân 2012. Tỉnh tích cực chỉ đạo các địa phương thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường, nhằm tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong không khí. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp cho các địa phương 15 tấn thuốc sát trùng. Riêng trong tháng 5 này - Tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động, chi cục đã cấp cho các huyện 5 tấn thuốc sát trùng. Hằng tháng, chi cục đều họp với trạm trưởng trạm thú y các huyện, thành phố, thị xã để nắm tình hình. Ngoài ra, hằng ngày cán bộ của chi cục phối hợp với các địa phương kiểm tra, nắm tình hình ở một số vùng trọng điểm, nơi có dịch cũ. Tỉnh cũng đã xây dựng phác đồ điều trị các loại bệnh cho đàn lợn".
Tiêm phòng là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, nhưng nhiều năm nay đàn lợn của tỉnh không được
tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh. Trong ảnh: Đàn lợn của gia đình ông Chu Trọng Thứ ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ)
Các địa phương đã từng có dịch hoặc nằm ở vùng giáp ranh với tỉnh có dịch cũng đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Bà Vũ Thị Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng cho biết: Ngay sau Tết Quý Tỵ, huyện Cẩm Giàng đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, trong các cuộc họp của đoàn thể về tác hại của dịch tai xanh, biện pháp nhận biết và cách phòng, chống, đồng thời hướng dẫn người dân biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Vào ngày 15 hằng tháng, Trạm Thú y huyện họp với cán bộ thú y xã để nghe báo cáo về tình hình chăn nuôi, dịch bệnh của địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng cung cấp 150 lít i-ốt, 250 kg clo-ra-min B và 384 lít pen-bô-xít cho các xã, thị trấn (những nơi có dịch và xã chăn nuôi lớn được cấp nhiều hơn) để phun tại những nơi công cộng, chợ, những nơi đông người qua lại...
Là huyện giáp ranh với Thái Bình- tỉnh đang có dịch tai xanh nên huyện Ninh Giang đã kiện toàn Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từ huyện đến các xã, thị trấn, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ. Ngoài đẩy mạnh tiêm phòng vụ xuân, hằng tháng, các xã, thị trấn đều đẩy mạnh tiêm phòng bổ sung. Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Đối với 3 xã giáp với tỉnh Thái Bình là Văn Giang, Hưng Long và Hồng Phong, trạm đã yêu cầu cán bộ thú y tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, nắm chắc tình hình chăn nuôi của địa phương, biến động về số lượng lợn và khuyến cáo người dân không nên đến hoặc mua bán ở vùng có dịch.
Hiện cả nước vẫn còn 5 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày, gồm Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninh. Ở “rốn dịch” Nam Định - địa phương có dịch tai xanh đang diễn biến phức tạp nhất ở phía Bắc, tính từ đầu tháng 4-2013 đến nay đã có trên 3.200 hộ chăn nuôi lợn bị dịch với gần 19 nghìn con lợn mắc bệnh, trong đó gần 9 nghìn con đã bị chết và tiêu hủy. Tại Thái Bình, trong vòng 3 tuần qua, dịch tai xanh tiếp tục bùng phát mới ở 38 hộ dân của xã Vũ Đoài (huyện Vũ Thư) và xã Phú Xuân (TP. Thái Bình) với hơn 330 con lợn mắc bệnh, trong đó 51 con đã tiêu hủy.
|
THANH HÀ