Do thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm, thời gian khô hạn kéo dài, xuất hiện mưa rào trái vụ nên tỷ lệ trỗ hoa của vải thiều khá cao. Nếu chăm bón tốt, nhiều khả năng Thanh Hà sẽ được mùa vải với sản lượng lớn.
|
Vườn vải đang ra hoa ở xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ)
|
Toàn tỉnh hiện có 21.641 ha cây ăn quả, riêng vải thiều là 13.222 ha, chiếm 61% tổng diện tích. Năm 2009, vải ra hoa với tỷ lệ khá, khoảng hơn 70%. Song do diễn biến bất lợi của thời tiết, giá vải quả liên tục bị sụt giảm qua từng năm nên nông dân đã “bỏ rơi” không chăm sóc cây, khiến vải thiều bị mất mùa, sản lượng vải quả tươi đạt 39.711 tấn, giảm 42,4% so với năm 2008. Nhưng do giá bán sản phẩm năm 2009 tăng nên tổng giá trị sản xuất vẫn tăng 15,7%. Theo các nhà vườn ở 2 huyện Thanh Hà và Chí Linh, do vải mất mùa nên giá bán tăng lên, nếu được mùa thì lại giống những năm trước, tiếp tục mất giá. Bị thua lỗ, các nhà vườn “hết mặn mà” chăm sóc cây vải. Trong vòng 4 năm từ 2005 đến 2009, toàn tỉnh đã có tới 1.278 ha vải đã bị “triệt hạ”, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như chanh, quất, bưởi, nhãn, ổi, xoài...
Anh Ngô Bá Định, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết: “Do thời tiết ấm hơn trung bình nhiều năm, thời gian khô hạn kéo dài, xuất hiện mưa rào trái vụ vào tháng mười một và tháng chạp Kỷ Sửu nên tỷ lệ trỗ hoa của vải thiều khá cao. Huyện đang có diện tích 5.100 ha vải thiều, giảm gần 700 ha so với năm 2005. Trong đó, 1.300 ha vải sớm tỷ lệ cây ra hoa đạt hơn 90%, đang vào giai đoạn nở; 3.800 ha vải chính vụ còn lại nhiều cây bị phát lộc nhưng tỷ lệ ra hoa vẫn đạt khoảng 80%. Nếu chăm bón tốt, nhiều khả năng Thanh Hà sẽ được mùa vải với sản lượng lớn”.
Nhiều năm qua, Thanh Hà đã tập trung xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà”; đồng thời, cử cán bộ đi nhiều nơi, liên hệ tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng đã lập ra Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà. Song vải tiếp tục rơi vào tình trạng được giá thì mất mùa và ngược lại, được mùa thì mất giá. Hiện tại, vải thiều ở đây vẫn đang bị “bỏ rơi”. Theo anh Nguyễn Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, thời điểm này, vải sớm, vải chính vụ rất cần được chăm bón, phòng trừ sâu đục cành hoa, bệnh sương mai, sâu hại cành và lá vải..., nhưng nông dân vẫn thờ ơ bỏ mặc các vườn vải.
Tuy nhiên, ở 6 xã “khu đảo” Hà Đông (Thanh Hà), chúng tôi vẵn bắt gặp nông dân ra vườn, phun thuốc phòng trừ, sâu bệnh cho các cây vải sớm đã trổ hoa. Diện tích vải sớm ở khu này hiện có khoảng 1.100 ha. Liên tục nhiều năm qua, sản phẩm quả tươi bán được giá cao, tránh được tình trạng bị ế thừa khi tiêu thụ. Chị Lê Thị Hải, một nông dân ở xã Thanh Bính, cho biết: Nông dân có vải sớm vẫn tích cực chăm sóc vải, họ chỉ bỏ mặc vải chính vụ thôi. Vụ vải năm ngoái, vải sớm bán bình quân đạt 18 nghìn đồng/ kg, chị thu được 122 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 74 triệu đồng. Tuy nhiên, vải sớm bán được giá, nhưng năng suất thấp hơn nhiều so với vải chính vụ, nên người có thu nhập cao từ vải sớm như chị Hải không nhiều.
Tại huyện Chí Linh, nơi đang có hơn 5.300 ha vải thiều, nhiều nhất tỉnh, người nhận khoán rừng sản xuất trồng loại cây này cũng rất thờ ơ với việc chăm sóc cây. Vì trồng trên đất đồi kém màu mỡ, lại bỏ nhiều năm không cung cấp dưỡng chất cho đất nên vải thiều ở Chí Linh cằn cỗi hơn nhiều so với vải Thanh Hà. Bởi vậy, số cây ra lộc, không có hoa cũng nhiều hơn, tỷ lệ cây ra hoa đạt khoảng 70%. So với những năm trước, hoa ngắn cuống, ít nụ hơn nên năng suất rất khó đạt cao. Anh Lục Văn Nhàn, người nhận khoán 12 ha rừng sản xuất trồng vải thiều ở thôn Bãi Thảo, xã Bắc An, cho biết: “Năm ngoái, vải bị mất mùa, nhưng bán được giá, nên tôi vẫn thu lãi hơn 200 triệu đồng. Năm nay, vải ra hoa khá sai, thời tiết lại ít có mưa phùn nên cầm chắc vải được mùa. Được mùa vải vẫn chưa hẳn vui, vì chắc gì vải đã bán được giá. Vì thế tôi cũng chẳng dám đầu tư phân bón cho vải. Song do nuôi gà đồi, nên tôi vẫn cố cân đối lượng phân cho cây phát triển lấy chỗ trú cho gà".
Trao đổi với nhiều hộ trồng vải ở các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Lê Lợi..., chúng tôi thấy đa số các nhà vườn trồng vải ở Chí Linh chưa quan tâm chăm bón cây vải thiều như trước đây. Các địa phương cần khuyến cáo nông dân quan tâm chăm sóc vải ngay từ những ngày đang trổ hoa này, để nâng cao chất lượng sản phẩm.
CÔNG ĐẠO