Hơn 1 năm nay, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh dừng hoạt động, chủ đầu tư bỏ về nước để lại nhiều hệ lụy.
Sau khi dừng hoạt động, Công ty TNHH Wan Xing Việt Nam trong cụm công nghiệp phía tây đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) còn nợ công nhân 2 tháng tiền lương và tiền đóng bảo hiểm xã hội
Việc xử lý các vấn đề liên quan đến các trường hợp này rất phức tạp, cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, đơn vị.
Chủ doanh nghiệp bỏ về nước
Gần 2 tháng nay, Công ty CP Đại An, chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Đại An đã nhiều lần có văn bản báo cáo Ban Quản lý các KCN tỉnh về việc dự án nhà máy sản xuất linh kiện và phụ kiện điện thoại của Công ty TNHH Ilshin Vina trong KCN này dừng hoạt động. Công ty CP Đại An không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến công nợ.
Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Dịch vụ bảo vệ Đệ Nhất ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) - đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ nhà máy cho Công ty TNHH Ilshin Vina cũng như đang ngồi trên đống lửa. Bởi lãnh đạo đơn vị này về nước nhưng không có văn bản thông báo về việc ngừng cung cấp dịch vụ. Công ty hiện còn nợ 5 tháng tiền lương của nhân viên bảo vệ.
Dự án của Công ty TNHH Ilshin Vina được cấp giấy chứng nhận đăng ký lần đầu vào tháng 11.2016, thay đổi lần thứ tư vào tháng 1.2018. Được biết tháng 8.2019, công ty này đã có kế hoạch chấm dứt hoạt động dự án nhưng không liên hệ, báo cáo và xin hướng dẫn của Ban Quản lý các KCN tỉnh.
Trước tình hình trên, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH Ilshin Vina báo cáo tình hình hoạt động đầu tư nhưng đơn vị này chưa thực hiện. Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã đề nghị Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và Chi cục Hải quan Hải Dương phối hợp cung cấp thông tin thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư của công ty này để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.
Tháng 8.2019, Công ty TNHH Wan Xing Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) trong cụm công nghiệp phía tây đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) cũng báo cáo UBND tỉnh về những khó khăn trong quá trình đầu tư và xin dừng hoạt động. Doanh nghiệp này chuyên sản xuất vật liệu màng mỏng từ nhựa PE trong y tế, thể thao và công nghiệp thực phẩm.
Sau nhiều tháng sản xuất không hiệu quả và hàng nhiều lỗi, công ty bị khách hàng phạt dẫn đến tài chính khó khăn. Công ty nợ lương và bảo hiểm xã hội nên công nhân đình công. Sau khi dừng hoạt động, doanh nghiệp này còn nợ công nhân 2 tháng tiền lương và tiền đóng bảo hiểm xã hội.
Tháng 6.2018, các Công ty TNHH: Tadlack Production và Mitall ở xã Cao An (Cẩm Giàng) đã dừng sản xuất do gặp khó khăn. Chủ hai doanh nghiệp đã rời khỏi Việt Nam để lại nhiều hệ lụy. Để ổn định tình hình địa phương và giải quyết quyền lợi cho người lao động, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư liên hệ với Bộ Ngoại giao mời hai doanh nghiệp về làm việc với địa phương để có phương án giải quyết; giao Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện Cẩm Giàng xác minh hai doanh nghiệp này có dấu hiệu bỏ trốn không? Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hải Dương xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay của hai công ty theo quy định; trích tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán tiền lương và các chế độ chính sách cho người lao động.
Để lại nợ nần
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Giàng, 2 doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện không hoạt động, bỏ về nước trong năm 2018 đã đem theo những tài liệu liên quan đến doanh nghiệp nên việc thu thập hồ sơ đến hoạt động của dự án, số lượng lao động, chế độ với người lao động của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.
Sau khi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, tính toán cụ thể các khoản nợ của công nhân và có nguồn tiền, huyện đã chi trả cho người lao động. Việc thanh toán tiền cũng gặp không ít khó khăn do không có địa chỉ cụ thể, chính xác của từng lao động mà phải thông qua tổ công đoàn công ty.
Ông Nguyễn Danh Tú, Trưởng Phòng Kinh tế Đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Doanh nghiệp FDI dừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ về nước để lại hệ lụy rất lớn. Bên cạnh các khoản nợ tại ngân hàng của Việt Nam, nợ lương và các loại bảo hiểm của NLĐ thì doanh nghiệp FDI dừng hoạt động còn ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
"Quá trình giải quyết các thủ tục chấm dứt, thu hồi dự án FDI gặp nhiều vướng mắc, thời gian bị kéo dài. Sự phối hợp của cơ quan chức năng, bộ ngoại giao của các nước với cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý các vấn đề liên quan đến những trường hợp này chưa chặt chẽ. Khi chủ doanh nghiệp FDI xuất cảnh khỏi Việt Nam, để liên hệ làm việc với họ rất khó và doanh nghiệp thường không hợp tác", ông Tú nói.
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về số lượng doanh nghiệp FDI dừng hoạt động, chủ đầu tư bỏ về nước nhưng nhiều trường hợp xảy ra trên địa bàn tỉnh gần đây đã gây dư luận không tốt. Người lao động tập trung đông người để khiếu nại gây mất an ninh trật tự...
MINH HỒNG