Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết nhiều doanh nghiệp bỏ hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia có tên trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4.
Qua rà soát 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu 400.000 tấn gạo hôm 12.4, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường - Ảnh: TTO
Trao đổi với phóng viên tối 14.4, ông Tuấn cho biết qua rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo vào ngày 12.4, Tổng cục Hải quan nhận thấy nhiều dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4 này, cơ quan này phát hiện nhiều doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng lại hủy hoặc từ chối ký hợp đồng.
Đơn cử, ông Tuấn cho biết theo thông tin từ Tổng cục Dự trữ thì Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn gạo nhưng đến nay chưa ký hợp đồng mà lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.
Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ quốc gia và cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Ngoài ra có hai đơn vị là Công ty CP Vĩnh Tường và Công ty CP Xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn gạo. Trong khi đó, cả hai doanh nghiệp này đều trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng cũng chưa ký hợp đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ, cho biết từ ngày 12.3, đơn vị này đã mở thầu cung cấp 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia cho năm nay nhưng đến ngày 14.4 mới chỉ mua được 7.700 tấn gạo, bằng 4% kế hoạch được giao.
Khoảng 27 doanh nghiệp đã trúng thầu nhưng đến nay có hơn 20 đơn vị không ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia là vi phạm quy định về đấu thầu. Thực tế này đang gây áp lực rất lớn cho việc phải mua đủ lượng gạo quốc gia của năm nay.
Ông Âu Anh Tuấn cho biết Tổng cục Hải quan sẽ tổng hợp toàn bộ tình hình thực tế xuất khẩu gạo để báo cáo và kiến nghị các giải pháp quản lý gạo xuất khẩu hiệu quả, chủ động hơn.
Theo Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương cần xem xét quy định về xuất khẩu gạo. Thay vì phân bổ hạn ngạch với một tổng lượng gạo cố định hằng tháng thì nên đấu giá hạn ngạch nhằm bảo đảm công bằng, quyền lợi cho các doanh nghiệp và đặc biệt là bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Để tham gia đấu giá hạn ngạch, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng doanh nghiệp cần phải bảo đảm điều kiện như đáp ứng các quy định của Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo là có lượng gạo dự trữ lưu thông tối thiểu 5% tổng lượng xuất khẩu của doanh nghiệp trong 6 tháng trước.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải thực hiện hợp đồng cung ứng gạo dự trữ quốc gia khi Chính phủ yêu cầu thì mới được tham gia đấu thầu hạn ngạch xuất khẩu gạo.
Những điều kiện như vậy sẽ hạn chế tình trạng doanh nghiệp nào đăng ký tờ khai trước sẽ chiếm hết hạn ngạch của doanh nghiệp sau.
"Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Công ty CP Tập đoàn Intimex đã đăng ký 102 tờ khai với số lượng gạo xuất khẩu gần 96.234 tấn, chiếm gần 1/4 hạn ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng này.
Như vậy, các doanh nghiệp đăng ký sau sẽ không còn hạn ngạch để đăng ký tờ khai xuất gạo nữa. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đã ký hợp đồng rồi mà không đăng ký tờ khai xuất khẩu được nữa" - ông Âu Anh Tuấn nói.
Trước đó, ngày 12.4, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận tờ khai của 39 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo trong tháng này.
Sau hơn 6 giờ từ 0 giờ đến 6 giờ 15, hệ thống hải quan điện tử đã ghi nhận tổng lượng gạo đăng ký xuất khẩu là 400.000 tấn gạo, bằng hạn ngạch mà Chính phủ cho phép xuất trong tháng 4.
Để minh bạch thông tin về lượng gạo đăng ký xuất khẩu, lượng gạo thực xuất và số lượng doanh nghiệp đăng ký tờ khai, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ cập nhật 1 giờ/lần trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.
Theo Tuổi trẻ