Từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 55 vụ cháy, làm 1 người chết, 5 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 5 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống báo cháy, chữa cháy hàng tỷ đồng nhưng không phát huy tác dụng
Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ, thiệt hại trên 980 triệu đồng.
Mặc dù sự cố về điện vẫn là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nhưng còn không ít vụ cháy xuất phát từ sự thiếu ý thức, hay chủ quan của con người. Mặc dù công tác kiểm tra đã chỉ ra những vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và yêu cầu chủ các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sớm khắc phục vi phạm nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện không đầy đủ, tiến độ khắc phục còn chậm, hoặc khắc phục theo kiểu chống đối. Quá trình tự kiểm tra an toàn về PCCC tại các đơn vị còn hời hợt dẫn đến nhiều hệ thống báo cháy, chữa cháy, đèn chỉ dẫn thoát nạn không phát huy tác dụng.
Đợt kiểm tra an toàn PCCC vào cuối năm 2017 tại Nhà máy Sản xuất đồ chơi trẻ em thuộc Công ty TNHH GFT Việt Nam (Tứ Kỳ) cho thấy dù được đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng hệ thống chữa cháy và báo cháy tự động ở đây chưa được quan tâm đúng mức. Tổ kiểm tra đã phát hiện nhiều đèn chiếu sáng sự cố đã hư hỏng chưa được sửa chữa. Nghiêm trọng hơn, hệ thống chữa cháy tự động không còn duy trì áp lực, dẫn đến nhiều họng nước chữa cháy ngoài nhà không có nước.
Tại Nhà máy May xuất khẩu của Công ty TNHH May Ever Glory (Việt Nam) trong khu công nghiệp Nam Sách, đường ống cấp nước chữa cháy đã bị rò rỉ. Các hạng mục PCCC cũng đã bị công ty thay công năng nên việc phòng và chữa cháy không được bảo đảm. Tại kho chứa hàng, hàng hóa được xếp cao gần sát mái tôn, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. Ngoài việc trang bị đầu báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động để bảo vệ hàng hóa tại đây vẫn chưa được lắp đặt. Nếu có sự cố chập điện dễ phát sinh cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nặng về tài sản.
Đại úy Phạm Phúc Giang, Đội phó Đội kiểm tra an toàn PCCC (Công an tỉnh) cho biết các cơ sở chủ yếu vi phạm khoảng cách an toàn về PCCC, bố trí, sắp xếp hàng hóa không gọn gàng, tự ý cơi nới, sửa chữa, thay đổi công năng sử dụng của các hạng mục công trình, hệ thống điện không được hoặc ít được cải thiện, nâng cấp để đáp ứng yêu cầu công suất thực tế đang sử dụng khai thác… Bên cạnh đó, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động còn để trong tình trạng bán tự động, thậm chí là bất động.
Từ năm 2017 đến nay, qua hơn 4.700 đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác PCCC ở các cơ sở, hộ kinh doanh, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý gần 180 trường hợp vi phạm, xử phạt hơn 180 triệu đồng; yêu cầu các cơ sở phải có biện pháp, lộ trình khắc phục các lỗi vi phạm về an toàn PCCC. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vẫn chưa thực hiện đầy đủ, đúng thời gian quy định.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống cháy nổ, ngoài tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC của lực lượng chức năng, cần nâng cao ý thức của các chủ doanh nghiệp, người dân trong công tác PCCC. Có như vậy mới giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra.
VĂN TÚ