Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi về số lượng đại biểu HĐND...
Tranh tuyên truyền, cổ động bầu cử được đặt trước Quận ủy Đống Đa (Hà Nội)
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 về số lượng đại biểu HĐND, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND.
Việc thay đổi này là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả; trong đó tập trung vào các nội dung: Nghiên cứu giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý Nhà nước, giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026.
Ba thay đổi trong tổ chức HĐND cấp tỉnh
HĐND cấp tỉnh có 3 điểm mới. Cụ thể, về số lượng đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân, cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (giảm 10 đại biểu); tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Thành phố trực thuộc Trung ương có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 60.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (giảm 10 đại biểu). TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu (giảm 10 đại biểu).
Về cơ cấu Thường trực HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh gồm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh. Như vậy, trong cơ cấu của HĐND cấp tỉnh không có chức danh Chánh Văn phòng HĐND.
HĐND cấp tỉnh cũng có thay đổi về số lượng cấp phó. Theo đó, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách có 2 Phó Chủ tịch HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Giảm số lượng đại biểu và cấp phó HĐND cấp huyện
HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND được bầu và giảm một Phó Chủ tịch HĐND. Cụ thể, huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân, cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Huyện không thuộc trường hợp nêu trên, thị xã có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân, cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Với quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân, cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Số lượng đại biểu HĐND ở huyện, quận, thị xã, thành phố, tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Thường trực HĐND cấp huyện gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và các Ủy viên là Trưởng ban của HĐND cấp huyện. Chủ tịch HĐND cấp huyện có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Thay đổi cơ cấu Thường trực HĐND cấp xã
HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 có sự thay đổi so với nhiệm kỳ 2016-2021 về số lượng đại biểu HĐND được bầu và cơ cấu Thường trực HĐND. Cụ thể, xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu (đối với xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 1.000 dân đến 2.000 dân giảm 5 đại biểu).
Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu (giảm 6 đại biểu). Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3.000 dân đến 4.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4.000 dân, cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu). Xã, thị trấn không thuộc trường hợp nêu trên có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Với các phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu (giảm 4 đại biểu). Các phường có trên 10.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (giảm 5 đại biểu).
Về cơ cấu Thường trực HĐND cấp xã, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định Thường trực HĐND cấp xã gồm Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch HĐND và có thêm các Ủy viên là Trưởng ban của HĐNDcấp xã. Phó Chủ tịch HĐND cấp xã là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Theo TTXVN