Tại nhiều địa phương trong tỉnh, việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học đang gặp nhiều khó khăn.
Điểm Trường Mầm non ở trung tâm xã Lê Lợi (Chí Linh) chỉ có 3 phòng học
diện tích 10-30 m2, không bảo đảm việc học tập cho trẻ
Vừa thiếu, vừa yếuTại UBND xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) vào giờ làm việc buổi sáng luôn có một lớp học ngay bên cạnh phòng bảo vệ. Do thiếu phòng học nên nhiều năm nay học sinh Trường Tiểu học Đại Đồng phải học nhờ UBND xã. Đây là nhà kho cũ, có 2 phòng, 1 phòng hiện dùng làm lớp học, một phòng là nơi ở của nhân viên bảo vệ. Ngôi nhà này xây đã mấy chục năm, mái lợp phi-brô xi-măng vừa ẩm thấp, vừa nóng bức, nhiều góc tường đã lở, nứt. Đối diện UBND xã là Trường Tiểu học Đại Đồng còn đang thiếu rất nhiều hạng mục cơ sở vật chất như phòng học, nhà ăn bán trú, phòng chức năng, phòng hiệu bộ... Cô Nguyễn Thị Kim Giang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trong khuôn viên trường có một khu đất đã được đào móng để xây dựng phòng học và phòng chức năng từ năm 2010, nhưng do chưa có kinh phí nên phải bỏ dở. Hiện nay, khu đất này giống như ao nước, cỏ mọc um tùm, nhà trường phải giăng lưới xung quanh để tránh học sinh gặp tai nạn". Ở xã Đại Đồng, không chỉ trường tiểu học mà cả bậc học mầm non và THCS cũng đang thiếu thốn về cơ sở vật chất. Đây cũng là xã chưa đạt chuẩn quốc gia ở cả 3 cấp học.
Giáp tỉnh Bắc Giang, xã Lê Lợi (Chí Linh) cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường học. Xã mới chỉ có trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Đến nay, Trường THCS Lê Lợi còn thiếu nhà hiệu bộ và 8 phòng học. Trường Mầm non Lê Lợi có 7 điểm trường, đều thiếu khuôn viên, diện tích cần thiết. Chị Vũ Thị Dung, giáo viên điểm Trường Mầm non Lê Lợi tại khu vực trung tâm xã cho biết: “Điểm trường này có 60 trẻ. Hiện chỉ có lớp 4 tuổi có diện tích hơn 30 m2, hai lớp còn lại chỉ hơn chục m2/lớp, vừa chật, vừa nóng, không bảo đảm điều kiện học tập cho các cháu. Hai điểm trường thôn Đa Cốc và Thanh Tân được xây từ năm 2007, các điểm trường còn lại xây trong khoảng năm 1993-1997 rất chật chội, ẩm thấp, nóng bức”.
Trước khi xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Cẩm Hưng (Cẩm Giàng) mới có Trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Thời gian qua, xã đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng xây dựng nhiều hạng mục, công trình ở cấp tiểu học như nhà hiệu bộ, nhà chức năng, phòng học... Dự kiến trong năm nay, Trường Tiểu học Cẩm Hưng sẽ đón danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, tại cấp học mầm non thì cơ sở vật chất vẫn đang là vấn đề lớn. Xã có 5 điểm trường đều là nhà cấp 4 lợp ngói, được xây dựng khoảng năm 1990, hiện xuống cấp, ẩm thấp. Thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, xã đã quy hoạch và giải phóng mặt bằng trường mầm non tập trung ở khu vực trung tâm xã, xây tường bao xung quanh. Nhưng đến nay, xã vẫn nợ người dân và các nhà thầu gần 3 tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng, tiền đổ cát, xây tường bao.
Loay hoay lo vốn đầu tưTheo Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, mới có 48 trong tổng số 233 xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí trường học. Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, khó khăn chủ yếu ở cả ba cấp là thiếu phòng học, đồ chơi, đồ dùng học tập. Nhiều phòng đang sử dụng đã xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh. Cấp học mầm non thì thường phân tán thành nhiều điểm trường nhỏ lẻ, khó tập trung…
Đối diện với khó khăn này, các xã đều có chung chủ trương quy hoạch, bán đấu giá đất để tạo nguồn xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất còn thiếu. Ông Nguyễn Danh Đàm, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết: “Xã đã quy hoạch 45 lô đất ở các thôn 19-5, Ngọc Lâu và Phượng Hoàng với tổng diện tích gần 4.800 m2, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để bán đấu giá quyền sủ dụng đất. Nếu các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ thẩm định, sớm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất sẽ tạo điều kiện cho xã thực hiện đấu giá, sớm có kinh phí tiếp tục xây dựng điểm trường mầm non tập trung”. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (Chí Linh) cho biết: “Nguồn vốn từ đấu giá đất không chỉ để xây dựng trường học mà phải phân bổ cho các hạng mục khác cần hoàn thành như thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, chợ… Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên thì các xã khó khăn, vùng sâu vùng xa khó hoàn thành được tiêu chí này”.
Khó khăn về vốn là khó khăn chung trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Để gỡ khó cho tiêu chí trường học cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền.
VIỆT QUỲNH