Hải Dương luôn quan tâm đầu tư nâng cấp các công trình đê điều, tuy nhiên còn nhiều cống dưới đê xuống cấp chưa được xây mới, gây khó khăn trong vận hành điều tiết nước và an toàn đê.
Nhiều cống xuống cấp
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều cống dưới đê được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc vận hành điều tiết nước, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hệ thống công trình đê điều.
Cống Dừa A tại km43+743 đê hữu sông Thái Bình, thuộc xã Chí Minh (Tứ Kỳ) được xây dựng từ năm 1962, điều tiết nước tưới tiêu cho hơn 3.000 ha lưu vực 8 xã gồm: Văn Tố, An Thanh, Chí Minh, Quang Phục, Tái Sơn, Bình Lãng, Hưng Đạo và thị trấn Tứ Kỳ.
Cống Dừa A khá rộng, được làm bằng bê tông và gạch xây, tuy nhiên do thân cống ngắn, mái đê dốc, thượng hạ lưu cống dễ bị xói lở. Anh Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ cho biết máy đóng mở cống Dừa A là loại máy thanh răng hộp kích đã xuống cấp, chắp vá. Mỗi khi mở cống tiêu úng phải có 2 người khỏe mạnh thay nhau quay máy thủ công và phải mượn lực kéo từ 2 quả tạ bê tông nặng hàng trăm kg treo hai bên mới nâng được cánh cống lên.
Tương tự, cống Lĩnh Đông tại km 36+053 đê hữu sông Kinh Môn, thuộc phường Phạm Thái (Kinh Môn) cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đê bị lún, nát do nhiều xe tải trọng lớn đi qua gây áp lực lớn lên cống. Cống được xây dựng từ năm 1968, nhiều thiết bị hoen rỉ, máy đóng mở cống thuộc loại cũ khó thay thế, thủ cống phải có kinh nghiệm mới vận hành được.
Thị xã Kinh Môn có 97 cống dưới đê, trong đó gần 20 cống xuống cấp. Các cống Lĩnh Đông, Phạm Xá, Bến Triều là các trọng điểm đê điều xung yếu cấp huyện.
Không chỉ ở Kinh Môn, Tứ Kỳ, các địa phương khác trong tỉnh cũng có nhiều cống dưới đê xuống cấp cần được bảo vệ.
Xây mới theo thứ tự ưu tiên
Hằng năm, trước, trong và sau mùa mưa bão, Chi cục Thủy lợi thường xuyên chỉ đạo Hạt Quản lý đê các huyện, thành phố, thị xã phân công cán bộ kiểm tra, rà soát các công trình cống dưới đê, duy tu bảo dưỡng thiết bị, phát hiện sớm sự cố, kiến nghị địa phương khắc phục kịp thời và có phương án bảo vệ các cống trọng điểm xung yếu. Ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết so với các tỉnh khác, đê của Hải Dương khá nhỏ, mảnh, độ dốc cao, gây áp lực cho việc bảo vệ an toàn đê và các cống dưới đê. Những năm gần đây, tỉnh và trung ương đã quan tâm đầu tư thay thế được nhiều cống dưới đê, qua đó xóa bỏ các trọng điểm cống xung yếu. Tuy nhiên, số lượng cống dưới đê trên địa bàn tỉnh lớn và được xây dựng từ lâu nên cống kém chất lượng, xuống cấp còn nhiều. Phương châm của tỉnh là đầu tư xây cống mới thay thế cống cũ theo thứ tự ưu tiên và tính cấp bách.
Tháng 7/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo, nâng cấp công trình đê địa phương tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 với tổng giá trị 150 tỷ đồng trên địa bàn thị xã Kinh Môn và huyện Thanh Hà, trong đó thay 8 cống mới gồm cống Lĩnh Đông ở phường Phạm Thái (Kinh Môn).
Ông Phùng Văn Điển, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê thị xã Kinh Môn đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương sớm hoàn thiện thủ tục và triển khai thi công trong thời gian sớm nhất các công trình cống dưới đê đã được phê duyệt để bảo đảm an toàn các vị trí trọng điểm đê điều.
Ngoài ra, 11 cống thuộc các dự án xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê, công trình đê điều tỉnh Hải Dương từ nguồn vốn trung ương cũng đã được phê duyệt, trong đó có cống trọng điểm xung yếu cấp tỉnh Ngọc Trì ở Nam Sách.
Ông Nguyễn Công Thân, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Tứ Kỳ cho biết cống Dừa A có vị trí rất quan trọng, tiêu nước cho lưu vực rộng lớn, được coi là rốn nước của huyện Tứ Kỳ. Hằng năm địa phương đều đề nghị tỉnh sớm đầu tư xây mới cống Dừa A để bảo đảm an toàn phòng chống lụt bão. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập dự án ADB 10, xây dựng 10 cống dưới đê, trong đó có cống Dừa A. Tuy nhiên, dự án này còn phải chờ phê duyệt.
Mặc dù một số dự án đầu tư xây mới, tu sửa các cống đã được phê duyệt nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, nhiều công trình phải chờ qua mùa mưa bão mới bắt đầu triển khai thi công. Nguồn vốn đầu tư nâng cấp các cống xung yếu dưới đê còn hạn chế.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hải Dương có hệ thống công trình đê điều khá lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài 373 km, 276 cống dưới đê, trong đó 22 cống hư hỏng nặng, cần phải xây mới, 38 cống bị hư hỏng phải sửa chữa. Năm 2023 có 18 cống đã lập, triển khai phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, trong đó có 16 trọng điểm cấp huyện, tập trung ở Kim Thành, Kinh Môn, Thanh Hà, TP Hải Dương và 2 trọng điểm cấp tỉnh là cống Ngọc Trì ở Nam Sách, cống Dừa A ở Tứ Kỳ. Ngoài ra, còn 16 cống cũ kém chất lượng, là vị trí xung yếu, cần phải theo dõi chặt chẽ trong mùa bão năm nay.
VĂN NGHIỆP