Nhiều chiêu trò buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng

08/07/2020 18:09

Trong những năm gần, tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp và ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi.


Cán bộ Đội Phòng ngừa đấu tranh án chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra, xử lý hàng nhập lậu

Tình hình vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong những năm gần đây diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Chính quyền các địa phương và người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.

Diễn biến phức tạp  

Giữa tháng 10.2019, Đội Phòng ngừa đấu tranh án chống buôn lậu, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp kiểm tra, phát hiện trên xe ô tô 12C-005.95 của Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 1968, ở thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) có 1.440 hộp kem dưỡng tóc loại 1 lít nhãn hiệu OASIS do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ chứng minh xuất xứ hàng hóa. Mạnh biết số kem dưỡng tóc trên không có hóa đơn, giấy tờ là vi phạm nhưng vẫn nhận vận chuyển. Cơ quan chức năng đã xử phạt 30 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng trên để tiêu hủy.

Trước đó ngày 11.5.2019, đội này kiểm tra xe ô tô 34D-011.24 dừng đỗ tại cây xăng Trường Sơn thuộc xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Trên xe có 10  thùng carton, mỗi thùng chứa 24 chai dầu nhờn loại 800 ml nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng trên không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ nguồn gốc. Lái xe Phạm Văn Sang ở xã Phạm Kha (Thanh Miện) khai số dầu nhờn trên là giả nhãn hiệu do Sang tự sản xuất để bán kiếm lời. Sang đang vận chuyển đi tiêu thị thì bị phát hiện. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án hình sự sản xuất, buôn bán hàng giả; khởi tố bị can, bắt tạm giam Sang để điều tra.   

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng mà Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) và lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trong 5 năm qua. Từ năm 2015 đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, kiểm tra hơn 300 vụ với trên 300 đối tượng liên quan đến hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; xử phạt vi phạm hành chính hơn 5 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá trên 10 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 5 vụ với 7 bị can.

Thủ đoạn tinh vi

Tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp và ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi. Trong đó đáng chú ý là một số hình thức bán hàng qua mạng và các doanh nghiệp (DN) liên kết với chính quyền địa phương, các đoàn thể để tổ chức các tour du lịch 0 đồng sau đó bán sản phẩm với giá cao. DN, nhóm đối tượng dùng quà khuyến mãi hấp dẫn hoặc bán các sản phẩm kém chất lượng với giá cao cho người dân.

Từ tháng 5.2018 đến nay, trong tỉnh có gần chục DN liên hệ với cơ quan chức năng, các tổ chức đưa khoảng 2.500 người dân đi tham quan miễn phí tại các tỉnh. Trong quá trình đi, DN tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu, chào bán sản phẩm đồ gia dụng, thực phẩm chức năng... Sản phẩm bán tại các chương trình này thường có nguồn gốc không rõ ràng, kém chất lượng. Nhiều DN thực hiện không đúng theo thông báo khuyến mãi. Giá bán sản phẩm cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của hàng hóa. Do tâm lý nể nang hoặc cả tin nên phần lớn người đi tham quan đều mua sản phẩm do DN giới thiệu.

Phần lớn các DN không tổ chức tour du lịch 0 đồng trên địa bàn tỉnh nên việc kiểm tra, xác định vi phạm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số vụ việc mà chủ thể vi phạm dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức hóa hồ sơ nhằm đối phó với cơ quan điều tra và các ngành chức năng. Do chủ quan, thiếu thông tin nên một số địa phương, đoàn thể vô tình tiếp tay cho các DN làm ăn không chân chính.

Trước thực trạng trên, để không rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang", người dân cần nâng cao cảnh giác, không nên ham rẻ để kẻ xấu có cơ hội lợi dụng. Người dân nên lựa chọn mua hàng tại các cửa hàng, siêu thị uy tín, sản phẩm có bảo hành, xuất xứ rõ ràng; tích cực phối hợp với các ngành chức năng, thông báo, tố giác các dấu hiệu, hành vi vi phạm của DN.

Chính quyền các địa phương cũng cần nâng cao cảnh giác. Trước khi đồng ý và tạo điều kiện để các DN vào địa bàn bán hàng cần kiểm tra đầy đủ các giấy tờ pháp lý liên quan đến DN, hàng hóa và chương trình bán hàng.

LÊ NHƯ MAI
(Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều chiêu trò buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng