Đại biểu Quốc hội - thượng tướng Nguyễn Văn Được (Hà Nội) bày tỏ bức xúc tại phiên thảo luận tổ sáng 24.10.
Thượng tướng Nguyễn Văn Được: Cán bộ cấp thấp hơn tôi mà nhà cửa rất bề thế, tiền đâu ra nhiều thế? - Ảnh: B.D
Theo đại biểu TP Hà Nội, công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực, được người dân tin tưởng. "Chúng ta cũng chưa bao giờ đứng trước thời điểm thuận lợi cả về kinh tế, an ninh quốc phòng, thuận lòng dân như bây giờ nhưng có nhiều vấn đề cũng còn khiến người dân lo âu, suy nghĩ", ông Được nói.
"Cán bộ cấp bậc thấp mà nhà cửa bề thế"
Tướng Được cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng ông có cảm giác như vẫn chưa "sờ trúng gáy" những đối tượng tham nhũng tầm cỡ.
Theo ông Được, chủ trương phòng chống, xử lý tham nhũng của chúng ta là phải có tình có lí nhưng không được tạo ra các vùng cấm. Bởi nếu có vùng cấm, có chỗ lách, chỗ tránh thì sẽ tạo ra chỗ hở để đối tượng tham nhũng nương náu.
Đại biểu Hà Nội chỉ ra một điểm yếu ở công tác quản lý Nhà nước khiến các vấn đề nảy sinh ở nhiều lĩnh vực: các công trình giao thông hư hỏng, y tế thì đủ thứ chuyện, gần đây nổi lên chuyện y bác sĩ bị đánh, đối xử tệ bạc...
"Trong vấn đề an ninh trật tự, có nhiều vụ việc rất lớn xảy ra mà cơ sở lại không nắm được tình hình. Rồi việc quản lý cán bộ hiện nay lỏng lẻo, chưa nói đến cán bộ từ tỉnh trở lên mà ngay cả cán bộ xã, cấp phòng cũng xảy ra nhiều trường hợp tham nhũng hàng chục tỉ đồng", ông Nguyễn Văn Được nói.
Ông Được còn đề cập đến câu quản lý du lịch có phần lỏng lẻo, buông thả: "Có loại khách quốc tế mà họ ào ạt tới nước ta, rồi ăn uống rất phàm, ăn rất nhiều. Vào khách sạn thì họ ăn uống, làm ầm ĩ rồi để lại đủ thứ. Cái đó chúng ta cũng phải nghĩ làm sao mà quản lý cho tốt".
Công nhân đang ngày càng bị dồn nén
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đề cập đến chính sách cho công nhân. Ông Hiểu nói rằng thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc, đặc biệt là gần đây có nhiều nơi công nhân nghe theo lời xúi dục của các đối tượng xấu rồi đi biểu tình, đập phá.
"Tôi xuống hỏi những người đi biểu tình vì sao họ lại đi biểu tình. Họ trả lời rằng thấy người ta đi thì mình cũng đi chứ không có bức xúc gì cả. Nhưng tìm hiểu sâu hơn đời sống của họ mới thấy họ đang phải làm việc với một mức lương không tương xứng, đời sống của nhiều bức bí áp lực và gánh nặng", ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, công nhân đang là lực lượng lớn trong xã hội nhưng đời sống của đại đa số bộ phận này đang ở mức rất thấp. Để có thể đủ sống, công nhân phải đi tăng ca, làm thêm... Trong điều kiện đó, áp lực về cuộc sống, tinh thần thường ngày cũng khiến anh chị em công nhân vốn đã có nhiều bức xúc dồn nén.
"Tôi đề nghị quan tâm nhiều hơn nữa cho đời sống công nhân. Nhiều tỉnh thành hàng năm ngân sách lớn rồi họ tự hào là tạo ra các quỹ này quỹ kia nhưng cái quỹ cần nhất là hỗ trợ cho công nhân thì lại chưa có", đại biểu Hà Nội nói.
Đại biểu này cũng nói thêm rằng trong việc quản lý nhà nước hiện nay cần phải có chính sách hậu kiểm tình hình thực thi các cam kết, việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp sau khi đi vào hoạt động thì ít chăm lo, quan tâm cho đời sống công nhân.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập chuyện sử dụng tài sản công hiện nay đang rất dàn trải, chưa có trọng tâm trong khi xã hội hiện nay đang nổi lên rất nhiều vấn đề cần giải quyết ngay như ô nhiễm môi trường, đền bù đất đai cho người dân khi thực hiện các dự án.
Đại biểu Khánh nhắc đến chuyện đang nóng bỏng hiện nay là vụ việc tại Thủ Thiêm (TP.HCM): "Trong khi vướng mắc đền bù bồi thường cho bà con Thủ Thiêm chưa làm xong thì TP lại đi bàn chuyện xây dựng nhà hát. Chúng ta nói thực hiện hành chính công nhưng cái chính là phải sử dụng đồng tiền thuế, công sức của dân như thế nào cho hiệu quả. Chứ như thời gian qua nhiều nơi sử dụng vốn nhà nước gây rất nhiều bức xúc".
Theo Tuổi trẻ