Nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng

24/03/2013 07:27

Đề án "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2009 - 2013" bắt đầu được thực hiện từ năm 2009.



Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra chất lượng điện trong phòng học


Hơn 1.000 đơn vị và gia đình tham gia đề án, trong đó có 313 đơn vị thuộc các ngành sản xuất đã có nhiều biện pháp để tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Công ty TNHH Chế biến nông sản Tân Tiến ở xã Quang Trung (Kinh Môn) thường sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện, than như máy sấy, máy rửa nông sản, máy sang, máy thái… Mỗi năm, công ty dùng hơn 47 nghìn kwh điện, hơn 150 tấn than, chi phí năng lượng bình quân lên tới 600 triệu đồng. Để tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2012, công ty đã được Sở Khoa học và Công nghệ giới thiệu về mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm. Công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để mua sắm, thay thế trang thiết bị sản xuất nhằm tiết kiệm năng lượng. Công ty đã thay thế hệ thống sấy nông sản cũ bằng hệ thống sấy gián tiếp sử dụng nhiệt của hơi nước nóng từ lò hơi đốt trấu. Giải pháp này giúp công ty bảo đảm được hiệu suất sử dụng năng lượng, bảo đảm chất lượng, việc vận hành điều chỉnh nhiệt độ theo yêu cầu dễ dàng. Công ty đã lắp 40 bóng điện huỳnh quang T8 chấn lưu sắt từ và bóng đèn com-pắc với tổng công suất là 2 kW/h. Các loại đèn này chỉ được thắp sáng trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, công ty còn tận dụng nguồn sáng tự nhiên bằng cách sử dụng các tấm tôn lấy sáng thay cho tấm lợp bằng tôn hoặc tấm lợp phi-brô xi-măng như trước đây. Ngoài ra, công ty có chế độ thưởng, phạt đối với cán bộ, công nhân trong việc thực hiện tiết kiệm năng lượng hằng tháng. Thành lập một tổ quản lý năng lượng, thường xuyên kiểm tra thiết bị điện tại công ty, không để tình trạng lãng phí điện, than trong sản xuất. Cán bộ chuyên viên Phòng Tiết kiệm năng lượng điện (Sở Khoa học và Công nghệ) đã có nhiều buổi tập huấn cho thành viên của tổ quản lý năng lượng tại công ty nhằm nâng cao nhận thức về việc tiết kiệm năng lượng. Nhờ đó, việc tiết kiệm năng lượng đã mang lại hiệu quả bước đầu. Ông Trần Văn Dực, Giám đốc công ty cho biết: "Năm 2012, công ty đã tiết kiệm năng lượng hơn 300 triệu đồng; các chi phí về nguyên, nhiên liệu đều giảm 40%”.

Hiện nay, đa số các trường học ở các huyện vẫn còn lắp bóng đèn sợi đốt. Loại bóng đèn này thường tiêu tốn điện. Nhận thức được vấn đề đó, năm 2012, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Phùng Văn Trinh ở xã Đồng Lạc (Nam Sách) đã thực hiện mô hình tiết kiệm điện. Trường có 20 phòng học được lắp đặt gần 200 bóng đèn sợi đốt đã được thay thế bằng bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng T8 - 1.2m, công suất tiêu thụ 37W. Các bóng đèn không chỉ tiết kiệm năng lượng điện mà còn có tác dụng chống cận cho học sinh. Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đề án hỗ trợ 30 triệu đồng, nhà trường thêm vào 10 triệu đồng để hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Trước kia, mỗi tháng, nhà trường thường chi phí khoảng 1,5 triệu đồng tiền điện, nhưng nay chỉ mất 1 triệu đồng. Ánh sáng cho học sinh được bảo đảm”. Nhà trường còn có nhiều biện pháp giáo dục học sinh tham gia tiết kiệm năng lượng như các em phải có ý thức tắt điện, tắt quạt sau mỗi buổi học. Bảo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra tình trạng sử dụng điện của trường, có nhiệm vụ ngắt cầu dao chung trong trường vào cuối ngày, bật và tắt điện đúng giờ, tránh lãng phí.

Ngoài các biện pháp được thực hiện thông qua dự án, các hộ dân cũng tích cực thực hiện tiết kiệm chi phí cho năng lượng. Đến nay, đề án đã hỗ trợ lắp đặt 98 thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời cho 11 đơn vị, 85 hộ gia đình ở nhiều địa phương như Tứ Kỳ, Kinh Môn, TP Hải Dương... với số tiền 115 triệu đồng. Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, hộ gia đình nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng. Nhiều đơn vị thực hiện có hiệu quả mục tiêu tiết kiệm năng lượng như Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương, Công ty TNHH Thạch rau câu Long Hải... Qua số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị tham gia đề án đã tiết kiệm được từ 12,8% - 25% điện năng trong sản xuất, sinh hoạt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng còn gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Các giải pháp tiết kiệm năng lượng ít được đầu tư. Để thay thế một dây chuyền sản xuất, doanh nghiệp phải mất hàng tỷ đồng. Nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức được ý nghĩa của việc tiết kiệm năng lượng”.

Để việc tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng vận động nhân dân thực hiện tiết kiệm năng lượng, nhất là đối với năng lượng điện. Cần sử dụng điện bảo đảm nguyên tắc 4 đúng: đúng chỗ, đúng cách, đúng nhu cầu và đúng lúc. Qua đó, mỗi người dân phải nâng cao trách nhiệm của mình khi sử dụng năng lượng điện...

MINH NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều biện pháp tiết kiệm năng lượng