Nhiều bị cáo khai chịu sức ép từ ông Đinh La Thăng

09/01/2018 09:40

Những bị cáo nguyên là lãnh đạo Tập đoàn dầu khí VN nói biết việc mình làm là sai, nhưng không thể không làm do Chủ tịch PVN khi đó là bị cáo Đinh La Thăng đã quyết.

8 giờ 15 sáng qua 8.1, TAND TP.Hà Nội mở phiên xét xử 22 bị cáo trong vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn dầu khí VN (PVN), Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC). Với tính chất là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, phiên tòa đã thu hút đông đảo báo chí trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tham dự.

Đề nghị cách ly bị cáo khi xét hỏi, triệu tập thêm nhân chứng

Trong số 22 bị cáo tại tòa sáng 8.1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC, ngồi ở hàng đầu tiên. So với thời điểm về nước đầu thú, bị cáo này có thể trạng tốt hơn. Các bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch PVN; Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó tổng giám đốc PVN... ngồi ở hàng giữa, xen lẫn các cảnh sát bảo vệ.

Hơn 40 luật sư (LS) tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó các ông Đinh La Thăng, Phùng Đình Thực có 3 LS, Trịnh Xuân Thanh có 5 LS. Trong phần thủ tục, LS Nguyễn Chiến, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, kiến nghị với hội đồng xét xử (HĐXX) cách ly khi xét hỏi các nhân chứng và một số bị cáo, bởi theo ông Chiến đây là vụ án phức tạp, có nhiều lời khai ảnh hưởng đến các bị cáo và quyền lợi của họ, có thể có sự đối lập, mâu thuẫn với nhau.

LS Đinh Anh Tuấn, bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực, cho biết đã thu thập được một số chứng cứ gỡ tội cho bị cáo, nên đề nghị được giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa. LS Tuấn cũng đề nghị HĐXX triệu tập thêm một người làm chứng, giúp HĐXX làm rõ những chứng cứ mới thu thập được, đó là ông Hồ Công Kỳ, nguyên Chánh văn phòng PVN giai đoạn 2011.

Hợp đồng sơ sài, vẫn ứng tiền ngàn tỉ

Chiều qua, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo, chủ yếu là làm rõ tính pháp lý của hợp đồng EPC số 33, việc PVN cho tạm ứng và chuyển tiền cho PVC, dẫn đến thất thoát tiền nhà nước. Cáo trạng nêu rõ: trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, PVN đã chỉ định PVC làm nhà thầu EPC, ký hợp đồng EPC số 33 có nhiều điều khoản không có thật, trái quy định pháp luật. Từ cơ sở này, PVN đã cho PVC tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng. PVC sau đó đã sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỉ đồng.

HĐXX đã quyết định cách ly các bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh để tiến hành xét hỏi đối với các bị cáo trong nhóm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó tổng giám đốc PVN - người được phân công theo dõi dự án, thừa nhận bản hợp đồng EPC số 33 rất sơ sài có 8 trang 10 điều, không có điều khoản và phụ lục quy định về thanh toán, tạm ứng. “Hợp đồng không đủ cơ sở để thực hiện cũng như tạm ứng được”, bị cáo nói.

“Tại sao biết sai nhưng bị cáo vẫn ký kết hợp đồng?”, HĐXX hỏi. Bị cáo Khánh trả lời sau khi hợp đồng số 33 được ký, PVN thời điểm đó cũng đã nhìn nhận là thiếu căn cứ pháp lý và đã yêu cầu một số đơn vị nghiên cứu để rà soát. Tuy nhiên, sau đó có sự chuyển đổi pháp nhân chủ đầu tư thực hiện dự án, nên việc này không thực hiện mà thay bằng bản hợp đồng khác. Khi HĐXX truy tiếp về việc bản hợp đồng thay thế vẫn chưa đủ căn cứ pháp lý nhưng vẫn ký, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh không trả lời thẳng mà cho rằng mình là phó tổng giám đốc, chỉ là người giúp việc cho tổng giám đốc và thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai việc chỉ đạo tạm ứng cho Thái Bình 2 và PVC là thực hiện theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng. “Bị cáo nói mình thực hiện mệnh lệnh của ông Đinh La Thăng, như vậy bị cáo đã nhận thức được mệnh lệnh này có vấn đề?”, HĐXX hỏi Nguyễn Xuân Sơn. “Trong các đơn vị kinh doanh, người đứng đầu bao giờ cũng có vai trò quyết định. Đã quyết rồi là làm chứ không có chuyện tính đi, tính lại”, bị cáo Sơn nói và giải thích: “Quyết liệt là tính cách của anh Thăng, nếu bị cáo nhận thấy hợp đồng có vấn đề thì chắc chắn không thực hiện”.

“Tôi phải chịu sức ép ghê gớm lắm”

Khai trước tòa, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, cho biết đã phát hiện ra hợp đồng EPC số 33 là sai và báo cáo ông Thực nhưng không được ghi nhận. HĐXX cho gọi bị cáo Thực đối chất, nhưng bị cáo này phủ nhận, cho rằng không nhận được báo cáo nào của ông Chương về sai phạm của hợp đồng 33. Trong khi đó, bị cáo Chương đề nghị HĐXX kiểm tra lại các công văn mà ban quản lý dự án đã gửi đến PVN.

Khi HĐXX đặt câu hỏi: “Vì sao biết hợp đồng chưa đầy đủ mà vẫn ký công văn đề nghị tạm ứng?”, bị cáo Chương cho biết phải chịu sức ép từ lãnh đạo PVN, không thể làm trái được lãnh đạo tập đoàn. “Cụ thể là ai?”, HĐXX ngắt lời. “Cụ thể là anh Đinh La Thăng”, ông Chương đáp và cho biết thêm: “Tôi phải chịu sức ép ghê gớm quá, ai lại yêu cầu chuyển tiền ngay trong ngày. Tôi là đơn vị cấp dưới, hạch toán phụ thuộc nên phải nghe lệnh của cấp trên”.

Dùng tiền trái mục đích vì tài chính PVC rất bi đát

Trong phần xét hỏi đối với nhóm bị cáo tại PVC, HĐXX nêu nhiều câu hỏi liên quan đến việc sau khi tạm ứng tiền từ PVN đã sử dụng vào mục đích gì. Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Phó tổng giám đốc PVC, khai sử dụng khoản tiền tạm ứng để góp vốn vào các công ty hoặc trả nợ ngân hàng là trái mục đích, là sai. Tuy nhiên, theo bị cáo những việc này đã được Trịnh Xuân Thanh thống nhất chủ trương.

Nhiều bị cáo khai chịu sức ép từ ông Đinh La Thăng - ảnh 3

Các bị cáo tại phiên tòa Ảnh: TTXVN

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến, nguyên Phó tổng giám đốc PVC, thừa nhận trong khoản tiền 1.300 tỉ đồng và hơn 6 triệu USD tạm ứng đã sử dụng trái mục đích trên 1.000 tỉ đồng, còn số tiền sử dụng vào dự án Thái Bình 2 chỉ khoảng gần 200 tỉ đồng. Theo bị cáo, việc sử dụng trái mục đích nêu trên còn có nguyên nhân thời điểm đó tình hình tài chính PVC rất bi đát. “Nợ nần rất nhiều, khi tiền tạm ứng vừa về tài khoản thì ngân hàng đã siết nợ trên tài khoản rồi”, bị cáo khai.

Cũng liên quan đến số tiền tạm ứng này, bị cáo Trương Quốc Dũng, nguyên Phó tổng giám đốc PVC - người ký sử dụng sai 40 tỉ đồng, khai lúc nhận tiền tạm ứng, có rất nhiều người đến tập trung đòi nợ, nên có chỉ đạo là bị cáo làm. “Văn hóa của PVC là các anh đã chỉ đạo là phải làm ngay, bị cáo rất cẩn thận nhưng vẫn sai’’, bị cáo này nói.

THÁI SƠN (Thanh niên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều bị cáo khai chịu sức ép từ ông Đinh La Thăng