5 năm trở lại đây, một số dịch bệnh sau nhiều năm không có ca bệnh đã quay trở lại.
Phụ huynh cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các mũi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Trong ảnh: Tiêm chủng hằng tháng tại Trạm Y tế xã Hồng Phong (Nam Sách)
Số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản B, sởi, ho gà... có xu hướng gia tăng dù đây là những loại bệnh có vaccine phòng ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Ca bệnh tăng
Khoảng đầu tháng 2, cháu Nguyễn Thu H. (3 tháng tuổi) ở xã Tân Trào (Thanh Miện) bị đau mắt đỏ, mắt nhiều gỉ, sau đó nổi ban đỏ toàn thân. Cháu thường xuyên quấy khóc, ho nặng tiếng, có đờm trắng, thở khò khè kèm theo chảy nước mũi, sốt nhẹ. Ngày 10.2, gia đình đưa cháu H. vào Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị và được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Mẹ cháu H. mắc sởi mới ra viện được 1 ngày thì cháu H. bắt đầu xuất hiện các triệu chứng trên.
Cháu Vũ Lan H. (12 tháng tuổi) ở xã Lam Sơn (Thanh Miện) bị ho, sốt, bú ít trong khoảng 4-5 ngày. Ban đầu, các nốt phát ban chỉ xuất hiện rải rác trên cơ thể cháu, nhưng sau đó lan ra toàn thân. Cháu H. được chẩn đoán mắc sởi, rối loạn tiêu hóa lây từ người mẹ bị sốt phát ban cách đó khoảng 5-6 ngày.
Điều đáng nói là dù đã 12 tháng tuổi nhưng cháu H. chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi trong khi theo quy định trẻ đến 9 tháng tuổi cần được tiêm mũi này trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cơ thể cháu H. không có kháng thể nên dễ bị lây nhiễm virus sởi từ người mẹ.
Khoảng giữa tháng 1.2020, cháu Nguyễn Tú U. (12 tháng tuổi) ở xã Phú Điền (Nam Sách) bắt đầu xuất hiện những cơn ho húng hắng, sau đó bị sốt cao từng cơn khoảng 39 độ, bú kém. Cháu được chẩn đoán mắc bệnh ho gà dù trước đó đã tiêm đầy đủ vaccine 5 trong 1 có chứa thành phần phòng bệnh ho gà. Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương), tính từ đầu năm đến nay khoa điều trị cho khoảng 10 bệnh nhi mắc sởi và ho gà. Đa số các cháu đã đến tuổi nhưng chưa tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo Sở Y tế, 5 năm qua (2015-2019), toàn tỉnh đã có nhiều bệnh nhân mắc các loại bệnh đã được phòng ngừa bằng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trong đó có 19 người mắc viêm não Nhật Bản B, 64 người bị ho gà, 257 người mắc sởi. Riêng năm 2019 có 204 người mắc sởi. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy hiện đối tượng mắc bệnh sởi có xu hướng là người lớn (cao nhất 54 tuổi). Một số yếu tố dịch tễ của bệnh truyền nhiễm thay đổi như thời gian mắc không theo chu kỳ, đối tượng, độ tuổi mắc...
Đi tìm nguyên nhân
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mùa đông xuân tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh, vi khuẩn, virus, đặc biệt là các virus gây bệnh truyền nhiễm có thể phát triển và bùng phát thành dịch. Mặc dù một số loại bệnh đã có vaccine ngăn ngừa và được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng như viêm não Nhật Bản B, sởi, ho gà nhưng hiệu quả không phải là tuyệt đối. Nghĩa là khi tiêm vaccine thì vẫn có thể mắc bệnh.
Một nguyên nhân khác là do khả năng sinh miễn dịch của từng người khác nhau. Có người sau khi tiêm vaccine cơ thể tạo khả năng miễn dịch cao nhưng cũng có những trường hợp tiêm không có kháng thể.
Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ của tỉnh ta duy trì từ 98-99%, như vậy hằng năm vẫn còn khoảng 350 trẻ không được tiêm chủng đầy đủ. Thậm chí có những trường hợp tẩy chay vaccine... Số lượng này tích lũy qua các năm và đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh đầu tiên nếu như xuất hiện yếu tố mầm bệnh.
Có những trẻ chưa đến tuổi tiêm nhưng đã mắc bệnh do kháng thể truyền từ mẹ sang con thấp. Kháng thể của mẹ truyền cho con qua sữa mẹ nhưng nhiều trẻ không được bú mẹ trực tiếp. Bên cạnh đó, có nhiều người lớn mắc bệnh do trước đó chưa tiêm chủng hoặc đã được tiêm vaccine phòng bệnh từ lâu nên miễn dịch thấp, không đủ khả năng phòng bệnh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã khiến một số tác nhân gây bệnh biến đổi để thích nghi với môi trường sống làm tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên phức tạp, khó lường.
HUYỀN TRANG