Nhiều ao làng đang chết

22/01/2017 07:14

Sự thờ ơ của người dân và chính quyền địa phương khiến nhiều ao làng đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm môi trường (ONMT) nghiêm trọng.




Ao thôn Đông Cận đã trở thành ao chết


Không còn là "lá phổi"

Từ lâu, ao làng luôn có vai trò quan trọng đối với đời sống của người dân nông thôn. Ao là nơi thoát nước về mùa mưa, trữ nước về mùa khô, cung cấp thức ăn và là "lá phổi" điều hòa khí hậu cho cả làng. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hoạt động chăn nuôi bùng nổ trong khu dân cư dẫn đến tình trạng ONMT ngày càng trầm trọng khiến nhiều ao làng đang chết dần.

Thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) nổi tiếng với nghề làm bún. Nghề góp phần nuôi sống con người nhưng lại là "thủ phạm" giết chết hệ thống ao của làng. Không khó để nhận thấy nhiều ao trong làng Đông Cận đã không còn bất cứ tác dụng gì, thậm chí ao bây giờ là nỗi khổ của người dân nơi đây. Nước ao đen đặc, ken dầy bèo tây và các loại cỏ dại. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi được xả thẳng xuống ao. Bà Lê Thị Kiểu, Trưởng thôn Đông Cận cho biết cả thôn còn khoảng 10 ao. Những ao này trước cho một số cá nhân trong làng thầu để thả cá nhưng gần chục năm nay chẳng còn ai dám thầu vì cá cứ thả xuống là chết. Ao làng đã trở thành điểm ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân trong thôn.

Hầu hết ao trong thôn Hợp Nhất, xã Lai Vu (Kim Thành) đã bị san lấp hoặc trở thành điểm chứa phế thải chăn nuôi. Ao lớn ngay phía sau nhà văn hóa thôn ngập bèo tây, khoai ngứa và cỏ dại. Quanh ao là những dãy chuồng nuôi lợn với cống xả hướng thẳng xuống ao. Ngoài chất thải chăn nuôi, rác sinh hoạt, phế thải xây dựng cũng được đổ thẳng xuống đây. Bác Bùi Thị Điều ở thôn Hợp Nhất cho biết ao này rất nhiều rắn, chúng thường xuyên bò lên nhà dân trong xóm. Ngoài ra, ruồi, muỗi hành hạ người trong xóm quanh năm suốt tháng. Trước đây ao rất trong xanh, xã cho người dân đấu thầu để thả cá. Gần chục năm trở lại đây do chăn nuôi phát triển mạnh, toàn bộ chất thải xả thẳng xuống ao, không một con cá nào sống nổi nên ao bị bỏ hoang gần chục năm nay. Cứ mỗi lần mưa to, nước bẩn trong ao lại dâng lên ngập lối đi, dân khổ sở vô cùng.

Tình trạng ao ở khắp làng quê trong tỉnh đang dần biến mất hoặc không còn giá trị sử dụng đang trở nên phổ biến. Nhiều ao biến dạng do người dân san lấp, lấn chiếm. Nhiều ao trở thành ao tù do nước không lưu thông trong khi hằng ngày vẫn phải tiếp nhận toàn bộ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi. Ao không còn là "lá phổi" điều hòa không khí cho cả làng mà trở thành điểm ONMT nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Cần cứu ao làng

Kết quả quan trắc môi trường nước ao, hồ do Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành cho thấy chất lượng nước ao hồ bị ô nhiễm bởi các chất DO, COD, BOD, TSS, NH4+-N, PO43--P, NO2--N, Coliform diễn ra phổ biến. Trong đó, ô nhiễm NH4+-N phổ biến nhất, chiếm tới 62% số điểm quan trắc, tiếp đó là COD, BOD, TSS và DO. Các chỉ số này đều vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Nguyên nhân do ao hồ tiếp nhận nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý. Việc tiếp nhận nước thải thường xuyên trong khi không có sự lưu thông dòng nước dẫn đến tích tụ chất ô nhiễm, gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tỷ lệ oxy trong nước giảm sút. Nước ao ô nhiễm trong khi diện tích ao lại đang bị thu hẹp đáng kể. Sức ép dân số khiến nhiều gia đình sẵn sàng lấp ao làm nhà ở. Chính quyền nhiều địa phương cũng thờ ơ với tình trạng này, thậm chí còn sẵn sàng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng ao làng sang đất ở.

Ao làng có vai trò quan trọng trong điều tiết nước, chống úng ngập vào mùa mưa, điều hòa không khí và tạo cảnh quan cho các vùng quê. Vì vậy, cứu ao làng là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi phải có một giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của chính quyền cũng như sự ủng hộ của người dân địa phương. Trước mắt, cần hạn chế tối đa tình trạng xả nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi xuống các ao. Toàn bộ nước thải phải được thu gom, xử lý trước khi thải ra môi trường. Chuyển mục đích sử dụng những ao không còn khả năng phục hồi để lấy kinh phí nạo vét, xây kè bảo vệ cho những ao còn lại...

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều ao làng đang chết