Nhện gié hại lúa mùa

14/09/2015 08:19

Trong thời gian qua nắng nóng, khô hạn là điều kiện thích hợp để nhện gié phát sinh và gây hại trên nhiều diện tích lúa làm đòng và trổ bông.


Thiệt hại lớn nhất của đối tượng này là làm bạc trắng lượng hạt trên bông rất nhanh khi lúa đang phơi màu đến ngậm sữa. Trong khi đó, nhiều nông dân không phát hiện và nhận biết được sớm đối tượng này, có người còn tưởng hạt lúa lép là do bệnh lem lép hạt gây ra nên hiệu quả phòng trừ không cao. Xin đưa ra những đặc điểm về triệu chứng gây hại để bà con nông dân nhận diện và phòng trừ hiệu quả.

Triệu chứng: Vì cơ thể nhện gié có kích thước rất nhỏ (0,5 - 1mm) bằng mắt thường không thể nhìn thấy được, lại nằm trong mô cây lúa nên nông dân chỉ có thể nhận biết thông qua triệu chứng chúng gây hại trên thân, bông lúa. Triệu chứng cây lúa bị nhện gié gây hại dễ quan sát nhất là phần dưới cổ lá xuống bẹ ốp thân có vết màu tím rất rõ mà nhiều người quen gọi là “vết cạo gió”.

Thời kỳ lúa làm đòng, nhện ăn phá các mô bên trong bẹ lá chích hút nhựa làm các mô hoại tử khiến cho cây lúa thiếu dinh dưỡng, trổ không thoát, nghẹn đòng và toàn bộ hạt lem lép.

Khi lúa trổ chín, nhện gié gây hại trên nhiều bộ phận như bẹ lá, gân lá, thân, bông và hạt. Khi mật độ cao, chúng bò lên bông lúa và chích hút cuống bông, cuống gié, hạt lúa. Các bông lúa bị hại thường mọc thẳng đứng vì phần lớn số hạt bị lép, làm giảm năng suất đáng kể. Các hạt còn lại cũng bị méo mó, đốm nâu, chất lượng gạo kém.

Biện pháp phòng trừ hiệu quả: Do nhện gié là đối tượng côn trùng hại lúa nguy hiểm và khó nhận biết nên thời kỳ lúa làm đòng đến trổ bông, nông dân cần thường xuyên thăm đồng và nhận diện được các triệu chứng điển hình như trên (nhất là trên các giống lúa như Q5, Khang dân 18, Thiên ưu 8…), phát hiện sớm nhện hại để phòng trừ hiệu quả.

Cần diệt trừ ngay khi mật độ nhện còn thấp (mới gây hại thân, chưa leo lên bông). Lựa chọn các loại thuốc đặc trị nhện gié như Kinalux 25 EC, Voliam-tago 63SC, Kumulus, Nissorun… Trong đó thuốc Kinalux 25EC là thuốc trừ nhện gié thế hệ mới với nhiều đặc tính vượt trội (hoạt chất Quinalphos làm nhện ngừng sinh trưởng và chết).

Phun thuốc khi 5% bẹ lá đòng có sọc đỏ, tím đen. Khi phun cần phun kỹ vào các mặt lá, phun ướt đẫm cây lúa để lượng thuốc dư sẽ chảy sâu xuống theo bẹ lá ngấm vào bên trong giết nhện. Liều lượng 2 bình 16 lít/sào. Cần chỉnh béc phun thật nhuyễn, phun kỹ. Thời gian phun nên tiến hành vào chiều mát vì đêm nhện thường bò ra khỏi bẹ lá leo lên cây gây hại ở phía trên cây lúa.  

Nông dân cần tiến hành đưa nước vào ruộng trước khi phun thuốc để nhện dâng lên cao sẽ trừ được nhiều hơn.

KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhện gié hại lúa mùa