Tình trạng người dân đổ rác bừa bãi ngoài đê diễn ra từ lâu nhưng đến nay các địa phương của huyện vẫn chưa khắc phục được...
Rác ngập thân đê ở xã Phượng Hoàng
Đi dọc tuyến đê từ xã Phượng Hoàng đến xã Tiền Tiến (Thanh Hà), chúng tôi gặp rất nhiều bãi rác lộ thiên ở ven đê. Tình trạng đổ rác bừa bãi ngoài đê diễn ra từ lâu nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa khắc phục.
Rác ngập đêDo đời sống ngày càng phát triển nên lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều. Bất cứ ai đi về huyện lỵ Thanh Hà qua đường đê xã Tiền Tiến cũng dễ dàng bắt gặp cảnh ô nhiễm môi trường. Những bãi rác lớn, nhỏ ngập ngụa ven đê khiến cho người đi đường cảm thấy ái ngại. Anh Đào Văn Dũng ở xã Thanh Khê cho biết
"Do đường đê được đổ bê-tông nên tôi hay đi làm qua đường này và ngày nào cũng phải chịu cảnh hôi thối bốc lên từ những đống rác. Ngày mưa còn đỡ mùi, ngày nắng thì rất khó chịu". Theo quan sát của phóng viên, rác ở đây có đủ loại từ bàn, ghế hỏng, vỏ ốc, quần, áo rách, lông gà, vịt, rau củ thối… Cứ khoảng 50 m đê lại có một bãi rác như vậy.
Xã Thanh Hải có 4 km đê, nhưng có đến 5-7 bãi rác tự phát. Mặc dù xã có HTX thu gom rác thải, nhưng lượng rác ở đê tương đối lớn, không được phân loại nên rất khó thu gom. Lực lượng thu gom rác chỉ làm ở các tuyến đường thôn, xóm mà “quên” việc dọn rác ở thân đê.
Theo nhiều người dân sống ở gần đê, tình trạng rác thải đổ bừa bãi có nhiều nguyên nhân. Anh Nguyễn Văn Quân ở thôn Phượng Đầu, xã Phượng Hoàng bức xúc: “Do nhiều người sống ở ven đê thiếu ý thức nên hay đổ rác trộm. Nhiều nhà trong xóm cũng tích cóp rác để khi nào đi qua đê thì vứt xuống cho nhẹ nhà”.
Những đống rác bốc mùi không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân sống gần đê, mà còn ảnh hưởng tới những người đi làm đồng. Ông Nguyễn Văn Giới ở thôn Phượng Văn, xã Phượng Hoàng cho biết: “Tôi có mấy sào cà rốt ở đất bãi nên thường xuyên phải ra chăm sóc đến hết trưa, hết chiều mới về, nhưng mùi rác thải bốc lên hôi thối không thể chịu được. Không đi làm thì thôi chứ đã ra đồng là cả ngày phải ngửi mùi hôi thối”.
Đổ rác bừa bãi ở ven đê không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan. Việc làm này được coi là “vấn nạn” mà lâu nay, các cấp chính quyền ở huyện Thanh Hà vẫn loay hoay xử lý.
Không chỗ chứaToàn huyện hiện có 57 tổ thu gom rác và 37 bãi rác. Tuy nhiên, việc thu gom rác không thường xuyên. Các tổ thu gom rác chỉ hoạt động từ 2-3 lần/tuần, trong khi lượng rác thải ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Đức Tới, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải thừa nhận: “Rác thải đổ bừa bãi ở thân đê diễn ra khoảng 4-5 năm nay. Trong khi đó, việc triển khai đóng phí thu gom rác thải của UBND xã chưa nhận được sự đồng thuận của một số hộ, họ chưa coi trọng việc bảo vệ môi trường. Thời gian tới, UBND xã kiên quyết xử lý các trường hợp đổ trộm rác, phối hợp với Hạt Quản lý đê huyện vận chuyển rác thải về bãi rác tập trung của xã để xử lý”.
Ông Ngô Bá Định, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Hà cho biết: “Lượng rác thải đổ ra đê hiện nay không thể kiểm soát nổi. Một số xã chưa có bãi rác như Vĩnh Lập, Trường Thành và Thanh Khê đang rất khó quy hoạch bãi rác vì không có đất xa khu dân cư theo quy định là 500 m. Các bãi rác đang hoạt động thì hầu hết đã gần đầy. Phòng cũng đã kết hợp với các địa phương tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Về lâu dài, phòng đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị tỉnh cho thu gom rác, vận chuyển sang nhà máy ở xã Việt Hồng để xử lý”.
Hiện nay, chi phí cho việc thu gom rác thải ở nông thôn còn hạn chế. Trang thiết bị như xe thu gom, dụng cụ bảo hộ cho người làm công tác môi trường còn thiếu. Việc áp dụng tiến bộ khoa học vào xử lý rác thải chưa nhiều nên việc thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn huyện chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Được biết, huyện Thanh Hã có kế hoạch xây dựng 17 km tuyến đê kiểu mẫu. Tuy nhiên, bên cạnh bê-tông hóa các tuyến đê, đề nghị Hạt Quản lý đê điều tích cực phối hợp với các địa phương khẩn trương thu gom rác thải để bảo vệ môi trường ven đê.
MINH NGUYÊN