Nhật Bản trước triều đại mới Reiwa

02/04/2019 18:50

Kể từ 0 giờ ngày 1.5.2019, Thái tử Naruhito sẽ đăng quang ngôi vị Nhật hoàng, niên hiệu “Reiwa” (Lệnh Hòa) sẽ thay thế cho niên hiệu “Heisei” (Bình Thành).


Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga giơ tấm biển viết chữ "Reiwa", niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản, tại văn phòng Thủ tướng sáng 1.4 ở Thủ đô Tokyo. Ảnh: Kyodo

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 1.4 thông báo, triều đại mới của Nhật Bản sẽ có niên hiệu “Reiwa” (Lệnh Hòa) từ ngày 1.5 tới, khi Thái tử Naruhito đăng quang kế vị vua cha là Nhật hoàng Akihito.

Reiwa-mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình

Tại đất nước Nhật Bản hiện đại, các niên hiệu của triều đại được sử dụng trong suốt thời gian trị vì của một Nhật hoàng và thường được công bố sau khi tân vương đăng quang. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30.4.2019 tới và là vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong vòng 200 năm qua. Do đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định công bố niên hiệu mới trước khi Thái tử Naruhito đăng quang để có thời gian chuẩn bị và giảm thiểu những rắc rối liên quan đến thay đổi về lịch.

Sau khi trải qua nhiều cuộc họp, nghe các ý kiến của chuyên gia và các lãnh đạo Hạ viện, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định niên hiệu của triều đại mới, triều đại thứ 248 ở "đất nước Mặt trời mọc",  là “Reiwa”. “Reiwa” theo phiên âm Hán-Việt có thể đọc là “Lệnh Hòa” hoặc “Linh Hòa”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giải thích, niên hiệu mới “Reiwa” có ý nghĩa là “văn hóa được sinh ra và nuôi dưỡng bởi những trái tim tốt đẹp nương tựa lẫn nhau của con người”. Tên “Reiwa” có nguồn gốc từ một câu ca trong cuốn ca tập cổ của Nhật Bản là “Vạn Diệp Tập”, được Thủ tướng Abe nhấn mạnh là “quốc thư đặc trưng cho truyền thống lâu đời, văn hóa phong phú” của Nhật Bản. Trong cuốn này, Reiwa mang ý nghĩa một mùa xuân mới, lan tỏa hòa bình.

Như vậy, kể từ 0 giờ ngày 1.5.2019, khi Thái tử Naruhito đăng quang ngôi vị Nhật hoàng,  niên hiệu “Reiwa” sẽ thay thế cho niên hiệu “Heisei” (Bình Thành) bắt đầu từ năm 1989, dưới thời Nhật hoàng Akihito.

Tại Nhật Bản, niên hiệu mới là vấn đề luôn được nhiều người quan tâm tại Nhật Bản vì sẽ được sử dụng trong các cuốn lịch, các tờ báo, và các văn bản chính thức cũng như các chứng chỉ bằng cấp. Các văn bản hành chính, chính sách và hoạt động của người dân hầu hết được tính theo năm của niên hiệu và ít sử dụng năm dương lịch. 

Trong lịch sử Nhật Bản, niên hiệu đầu tiên của Nhật Hoàng là Taika, bắt đầu từ năm 645. Các niên hiệu trong thời hiện đại gồm Meiji (Minh Trị, 1868-1912), Taisho (Đại Chính, 1912-1926) và Showa (Chiêu Hòa, 1926-1989). Niên hiệu của triều đại hiện nay là Heisei (Bình Thành), bắt đầu từ ngày 8.1.1989. Năm 2019 đánh dấu mốc là năm Heisei 31, đồng thời cũng sẽ là năm Reiwa 1 sau khi vua mới lên ngôi.

Sau khi niên hiệu mới chính thức được quyết định, đồng loạt tại các nhà ga, cửa hàng, biển quảng cáo của Nhật Bản đã phát đi hình ảnh về niên hiệu mới để phổ biến cho người dân.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã gửi lời mời các nguyên thủ, đại diện từ 195 quốc gia tham dự sự kiện Thái tử Naruhito đăng quang, sau khi nhà vua Nhật Bản Akihito thoái vị vào ngày 30.4 tới. Đây là sự kiện lịch sử của Nhật Bản, đồng thời trùng vào “Tuần lễ vàng” của nước này, người dân sẽ được nghỉ 10 ngày liên tục.

Dấu ấn của Nhật hoàng Akihito

Sự kiện Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30.4 tới được xem là một sự kiện trọng đại của đất nước Nhật Bản, bởi Nhật hoàng Akihito là vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong vòng 200 năm qua. Đối với người dân Nhật Bản, trong suốt 30 năm trị vì đất nước, Nhật hoàng Akihito là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản, đồng thời là vị vua luôn được dân chúng yêu mến.

Sinh ngày 23.12.1933, Nhật hoàng Akihito hiện đã ở tuổi 86. Ông là con trai của Thiên hoàng Hirohito và Hoàng hậu Nagako. Trở thành vị hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản sau khi Thiên hoàng Hirohito băng hà vào năm 1989, Nhật hoàng Akihito là một trong những người đứng đầu đất nước tại vị lâu nhất thế giới.

Trong suốt 3 thập kỷ trị vì đất nước, Nhật hoàng Akihito đã cùng đất nước và người dân Nhật Bản đi qua nhiều dấu mốc quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Nhật hoàng Akihito thực hiện các hoạt động được quy định trong Hiến pháp của Nhật Bản như: bổ nhiệm Thủ tướng, phê chuẩn việc bổ nhiệm các quan chức cấp cao, triệu tập Quốc hội, công bố luật và các điều ước, trao tặng tước hiệu… Đối với mỗi vấn đề quan trọng liên quan đến đất nước, quyết định của Nhật hoàng Akihito đều được đưa ra dựa trên sự tư vấn và chấp thuận của Chính phủ Nhật Bản.

Đặc biệt, vào năm 2011, khi đất nước Nhật Bản phải đối diện với nỗi đau về trận động đất sóng thần kinh hoàng làm hơn 20.000 người bị chết và mất tích, người dân Nhật Bản không thể quên hình ảnh nhà vua Akihito và hoàng hậu Michiko đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong suốt 7 tuần liền từ tháng 3 đến tháng 5.2011. Ở những nơi này, nhà vua và hoàng hậu đã chia sẽ nỗi mất mát với các nạn nhân thiên tai, đồng thời theo dõi sát sao quá trình phục hồi của những vùng đất này trong nhiều năm về sau. 

Năm 2015, kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, nhà vua Akihito và hoàng hậu Michiko một lần nữa đến viếng những người đã chết trong chiến tranh, bày tỏ sự chia sẻ, ủng hộ với thân nhân những người đã mất trong chiến tranh và với tất cả những người đã vượt qua gian khó và ủng hộ Nhật Bản trong thời gian khó khăn sau chiến tranh.

Tất thảy những phát ngôn ấn tượng của Nhật hoàng Akihito đều được công chúng Nhật Bản ghi nhớ, trân trọng, và coi đó là động lực tuyệt vời để họ vươn lên trong cuộc sống và chiến thắng những khó khăn phía trước.

Ngoài các hoạt động trong nước, kể từ khi lên ngôi, nhà vua Akihito và hoàng hậu Michiko còn thực hiện hoạt động đối ngoại của đất nước, đã đến thăm chính thức gần 30 nước, trong tổng số gần 60 nước ông đã đặt chân đến. Tại mỗi nơi ông đặt chân tới, ông đều nhận được sự kính trọng của người dân các nước trên thế giới. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên của Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu đến Việt Nam (tháng 3.2017) đã đánh một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản.

Với những cống hiến của Nhật hoàng Akihito dành cho đất nước, người dân xứ sở Phù Tang luôn coi ngài là vị "hoàng đế" vĩ đại. Họ luôn mong Nhật hoàng tại vị lâu hơn nữa và góp phần tạo nên một đất nước Nhật Bản phát triển phồn vinh, bền vững.

Chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản Eri Hotta từng ca ngợi: "Nhật hoàng Akihito muốn sát cánh cùng người dân, lắng nghe tiếng nói của họ, gần gũi với họ trong từng nếp nghĩ. Chính niềm tin vào người dân và sự sẵn sàng đứng lên vì niềm tin đó của ngài, hơn là việc được ngẫu nhiên sinh ra trong gia đình hoàng tộc, mới là biểu tượng quốc gia đúng đắn của một đất nước Nhật Bản dân chủ".

Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 8.8.2016, Nhật hoàng Akihito đã công bố mong muốn thoái vị của mình, với lý do được ông đưa ra là tuổi tác. Nói về mong ước thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho hay đó không phải chỉ là một sự "giải thoát" thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho luật hoàng gia, tạo sự thoải mái và nhẹ nhõm hơn cho các Nhật hoàng sau này.

Trước mong muốn của Nhật hoàng, ngày 8.12.2017, Nội các Nhật Bản đã chính thức thông qua luật cho phép Nhật hoàng Akhito thoái vị vào ngày 30.4.2019, nhường ngôi cho con trai cả, Thái tử Naruhito, 57 tuổi.

Có thể thấy rõ, kể từ khi lên ngôi vào năm 1989, Nhà vua Akihito cùng với Hoàng hậu Michiko đã hoàn thành trọn vẹn nhiều công việc chính thức liên quan đến ngôi vị của nhà vua như một biểu tượng quốc gia và đoàn kết dân tộc. Với một tinh thần trách nhiệm,và sự ân cần với người dân, nhà vua và hoàng hậu bằng sự nồng ấm và phẩm giá của mình đã làm cho Hoàng gia trở nên gần gũi hơn với nhân dân.

TRỌNG ĐỨC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản trước triều đại mới Reiwa