Các ứng cử viên đang tham gia vào cuộc đua Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) đều tỏ ra thận trọng đối với quyết định của Trung Quốc.
Giới chính trị Nhật Bản đang tỏ ra thận trọng trong việc Trung Quốc ngày 16.9 nộp đơn chính thức xin tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP). Điều này nói lên rằng có thể Nhật Bản sẽ không ủng hộ việc gia nhập của Trung Quốc.
Các ứng cử viên đang tham gia vào cuộc đua Chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ (LDP) đều tỏ ra thận trọng đối với quyết định của Trung Quốc.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato.
Ứng cử viên Kishida Fumio, Trưởng Ban nghiên cứu chính sách đảng LDP cho rằng cần phải xem Trung Quốc có thể bảo đảm được trách nhiệm lớn đó hay không. Ông Kono Taro, Bộ trưởng cải cách kiêm phụ trách tiêm chủng thẳng thắn khi nói rằng trong nhiều qui tắc thương mại của Trung Quốc hiện nay không thỏa mãn điều kiện gia nhập CPTPP.
Bà Takaichi Sanae - cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông với mong muốn sẽ trở thành Nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản thận trọng cho biết cần phải thảo luận về vấn đề này. Bà Seiko Noda, quyền Tổng thư ký đảng khẳng định cần phải xem xét năng lực của Trung Quốc và thảo luận trực tiếp nhằm ổn định kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cũng có phát biểu tương tự ông Fumio Kishida khi nhấn mạnh sự cần thiết phải xem Trung Quốc có đáp ứng được yêu cầu hay không. Cụ thể cần phải đối chiếu việc Trung Quốc có những chuẩn bị gì trong việc cải cách thể chế trong nước đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập của CPTPP như tự do hóa thương mại với trình độ cao, tính minh bạch trong lưu thông dữ liệu…
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Taro Aso đưa ra câu hỏi rằng liệu với tình trạng hiện tại Trung Quốc có thể gia nhập CPTPP? Chính phủ Trung Quốc đang ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước bằng tiền hỗ trợ, vậy thực sự đã đúng với qui tắc mà 11 thành viên gia nhập đang làm chưa?
Bộ trưởng Kinh tế và sản nghiệp, ông Hiroshimo Ziyama cho rằng xin gia nhập không có nghĩa là gia nhập. Chỉ riêng vấn đề đang tồn tại ở Trung Quốc như quyền đàm phán tập thể của người lao động và cưỡng chế lao động cũng đang gây lo ngại. Ngoài ra, nhiều vấn đề khác như tính minh bạch cũng cần phải thảo luận.
Nhật Bản đang là nước Chủ tịch luân phiên năm 2021 của Ủy ban TPP. Theo đó, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Toshimitsu Motegi cho biết các nước thành viên khác cũng sẽ thảo luận để có thể thống nhất quan điểm mang tính chiến lược. Trước tiên là xem xét sớm việc gia nhập của Anh.
Trong khi đó, một số hãng truyền thông Nhật Bản bình luận rằng với việc xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc có mục đích mong muốn mở rộng đặc khu kinh tế và gây ảnh hưởng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
CPTPP là nơi quy tụ 11 nền kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada…Ở đây, các quốc gia gia nhập mong muốn thúc đẩy tự do hóa dịch vụ, đầu tư, thuế quan…nhằm xây dựng qui tắc liên quan đến giao dịch thương mại điện tử sử dụng dữ liệu, tài sản trí tuệ… CPTPP đang đóng góp tới 13,5% vào nền kinh tế toàn cầu. Đối với các quốc gia có mong muốn gia nhập mới cần phải được tất cả các thành viên đã gia nhập đồng ý.
Theo VOV