Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ quảng bá hình ảnh Nhật Bản như một đối trọng với sức mạnh đang bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
|
Tại diễn đàn an ninh, quốc phòng Đối thoại Shangri-La dự kiến diễn ra vào ngày 30-5 ở Singapore, ông Abe sẽ tuyên bố Tokyo và đồng minh Mỹ sẵn sàng cùng nhau tăng cường hợp tác an ninh với các nước thành viên ASEAN, tờ Sankei Shimbun (Nhật Bản) đưa tin ngày 29-5.
Sankei Shimbun cho biết, Thủ tướng Nhật Bản sẽ không đề cập thẳng Trung Quốc, nhưng tờ báo này bình luận sẽ không có nghi ngờ gì trong việc ông Abe coi Trung Quốc là nước đã làm leo thang căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông
Ông Abe “có thể sẽ tuyên bố mục tiêu đảm nhận các vai trò tích cực hơn ở châu Á trên nền tảng đồng minh với Mỹ", Giáo sư Koichi Nakano, chuyên gia nghiên cứu khoa học chính trị tại Trường Đại học Sophia (Nhật Bản) cho biết.
Thủ tướng Abe đã hỗ trợ Philippines và Việt Nam cả về vật chất và tinh thần thông qua các tuyên bố gần đây cùng kế hoạch viện trợ tàu tuần duyên.
Giới quan sát nhận định, Thủ tướng Nhật Bản đang hy vọng sẽ có nhiều quốc gia yếu thế trong khu vực nhận thấy sự giúp đỡ nói trên là dấu hiệu thể hiện sẵn ý hợp tác của Nhật Bản, và Tokyo có thể là lựa chọn thay thế cho mối đe dọa quân sự Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản chưa từng gặp chính thức Chủ tịch Trung Quốc
Với vai trò là diễn giả chính tại Shangri-la, ông Abe sẽ thúc giục Trung Quốc tôn trọng luật pháp trong bối cảnh các nước trong khu vực đã nhận thấy Bắc Kinh đang thích thú “diễu võ giương oai”, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) cho biết.
Ông Abe cũng sẽ kêu gọi tiến hành “các cuộc thảo luận mang tính xây dựng” nhằm làm giảm căng thẳng, Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga phát biểu.
“Đối với tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông và biển Hoa Đông, chúng tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận mang tính xây dựng sẽ được tổ chức để hướng tới ổn định và hòa bình trong khu vực”, ông Suga nói.
AFP bình luận rằng, kể từ khi lên nắm quyền hồi cuối năm 2012, ông Abe đã rất tích cực thể hiện thái độ muốn hợp tác với khối ASEAN. Ông đã đi thăm toàn bộ 10 nước thành viên ít nhất là một lần. Việt Nam là điểm đến đầu tiên của ông Abe sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên, ông chưa từng đến Trung Quốc và cũng chưa từng gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, AFP cho hay.
Trong ván cờ đối nội và đối ngoại
Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong khi phần lớn các nước châu Á - trừ Trung Quốc và hai nước thuộc bán đảo Triều Tiên - an tâm trước một Nhật Bản ngày càng tích cực trong các hoạt động ngoại giao, Thủ tướng Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với sự phản đối trong nước về đề xuất đem quân hỗ trợ các đồng minh bị tấn công.
Giáo sư Nhật Bản Nakano nói rằng, mặc dù ông Abe có thể đang cố mở rộng hợp tác với ASEAN, nhưng ông sẽ phải khôn khéo tránh cố quá mức, khiến các nước thành viên trong khối này cảm thấy họ phải lựa chọn giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo cấp cao Việt Nam đầu tiên làm diễn giả chính tại Đối thoại Shangri-La.
Hoàng Uy (Thanh niên)