Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất mạnh nhưng tổn thất về người thường thấp hơn so với các nơi khác, do nước này có lịch sử sống chung với địa chấn và người dân luôn sẵn sàng ứng phó thảm hoạ.
Một tòa nhà ở TP Sukagawa (Nhật Bản) sụp đổ trong trận động đất ngày 11-3
Quần đảo Nhật Bản nằm tại nơi gặp nhau của một số mảng kiến tạo địa chất và sự bất ổn về địa chất này khiến Nhật Bản hứng chịu khoảng 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ mỗi năm. Có những cơn địa chấn khủng khiếp đã khắc vào tiềm thức dân tộc. Điển hình là trận động đất lịch sử tại Thủ đô Tokyo (Tô-ki-ô) năm 1923 được gọi là cơn địa chấn Kanto (Can-tô) vĩ đại, mạnh 7,9 độ richter (rích-te), làm khoảng 100 nghìn người chết. Đúng 72 năm sau, năm 1995, một trận động đất khác mạnh 7,3 độ richter xảy ra ở TP cảng Kobe (Cô-bê) làm khoảng 6.400 người chết, cùng các đám cháy khắp thành phố. Mới đây nhất, trận động đất kinh hoàng 8,9 độ richter xảy ra ngày 11-3, gây sóng thần mạnh nhất Nhật Bản trong vòng 140 năm qua. Tính đến chiều 12-3, số người chết và mất tích sau trận động đất này lên tới hơn 1.800 người. Một vụ nổ đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân Daiichi (Đai-i-chi) ở tỉnh Fukushima (Phu-cu-si-ma). Mức phóng xạ ở khu vực bên ngoài nhà máy đã tăng cao gấp 20 lần. Trong khi các hậu quả của trận động đất và sóng thần khủng khiếp này chưa được khắc phục thì khu vực đất liền phía Đông Bắc Tokyo lại tiếp tục bị rung chuyển bởi các trận động đất mạnh khác.
Tuy nhiên, những con số trên vẫn ở mức tối thiểu nếu so với những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như tại Haitti (Ha-i-ti), nơi trận động đất 7 độ richter vào năm 2010 đã cướp đi mạng sống của khoảng 222.570 người.
Sau trận động đất năm 1923, không chỉ Tokyo mà hầu hết Nhật Bản đã nỗ lực trong việc chuẩn bị cho tình huống động đất mạnh với cách thức đối phó có hệ thống, cơ sở hạ tầng được xây dựng với khả năng chống động đất và thói quen ứng phó với thảm hoạ của người dân. Hệ thống giám sát động đất của Nhật Bản có thể gửi đi cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút kể từ khi động đất bắt đầu. Khi xảy ra địa chấn, số liệu liên quan đến mức độ và vị trí cũng lập tức được phát trên truyền hình quốc gia NHK. Ngoài ra, tại một số vùng nông thôn, chính quyền địa phương còn phát cho người dân những chiếc radio (ra-đi-ô) để họ có thể được hướng dẫn sơ tán trong trường hợp khẩn cấp. Trong suốt thời gian theo học ở trường, trẻ em Nhật Bản còn thường xuyên diễn tập ứng phó với động đất như chui xuống gầm bàn. Tất cả những người trưởng thành thì đều được thông báo vị trí trung tâm sơ tán gần nhất đối với họ. Sau trận động đất ở Kobe năm 1995, Luật xây dựng ở Nhật Bản bắt buộc các tòa nhà cao tầng phải được làm bằng các vật liệu chống chọi được động đất, khiến chúng có thể rung lắc nhưng khó sụp đổ. Nhà tư nhân và hệ thống hạ tầng giao thông cũng phải tuân thủ theo những quy định xây dựng nghiêm ngặt nhắm tới mục đích giảm thiểu tối đa thương vong trong động đất. Tại một số khu vực ven biển của Nhật Bản có xây dựng sẵn những nơi trú ẩn sóng thần. Trong khi các nơi khác lập các cống chuyên dụng để chống đỡ với những đợt nước khổng lồ do sóng thần mang tới. Hệ thống tàu điện tốc hành nổi tiếng của Nhật Bản cũng tích hợp công nghệ tự động dừng hoạt động khi động đất mạnh quá mức cho phép. Các nhà máy hạt nhân và cơ sở khác cũng có cơ chế tự ngừng hoạt động khi có động đất mạnh.
Về tổng thể, Nhật Bản được nhìn nhận như quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất ứng phó với động đất và sóng thần trên thế giới. Tuy nhiên, với dạng thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp và chưa thể dự báo này thì nguy cơ vẫn luôn trực chờ bất chấp sự chuẩn bị đến đâu.
(Tổng hợp)