Kế hoạch sử dụng phổ biến sách giáo khoa (SGK) trên nền tảng kỹ thuật số sẽ được thực hiện từ năm 2024 tại một số lớp ở Nhật Bản.
Theo báo Nhật Mainichi, ban đầu, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản sẽ sử dụng SGK điện tử trong bộ môn tiếng Anh cho học sinh từ lớp 5 lên trung học cơ sở. Sau đó, các trường sẽ sử dụng sách điện tử đối với các bộ môn khác sớm nhất từ năm 2025.
Kế hoạch của Bộ Giáo dục Nhật Bản đã được thông qua vào ngày 25.8. Từ giờ cho đến năm 2024, SGK điện tử sẽ được sử dụng song song cùng với SGK in.
Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết việc áp dụng SGK điện tử đối với bộ môn tiếng Anh đầu tiên nhằm khai thác lợi ích của việc nghe trực tiếp để luyện phát âm.
Trong năm học 2021, Bộ Giáo dục Nhật Bản đã triển khai một dự án thí điểm đối với SGK điện tử tại 40% trường tiểu học và trung học cơ sở trên cả nước. Thiết bị kỹ thuật số “Chương trình Trường học GIGA” do chính phủ cung cấp, có hình dạng trông như một máy tính bảng, đã được phát cho các em học sinh.
Nhóm công tác của Hội đồng Giáo dục Trung ương đã thảo luận nhiều kịch bản liên quan đến việc chuyển đổi sang SGK kỹ thuật số, trong đó có phương án thay SGK giấy bằng SGK điện tử cho tất cả môn học. Sau tiếng Anh, Bộ cũng có kế hoạch ưu tiên thảo luận về việc triển khai SGK điện tử đối với môn Toán từ đầu năm học 2025. Quyết định này dựa trên phản hồi tích cực từ các học sinh tham gia dự án thí điểm. Các em nhận thấy rằng SGK điện tử nâng cao hiệu quả tiếp nhận kiến thức khi học về vật thể ba chiều.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với SGK sẽ gặp một số thách thức lớn, trong đó có việc phải đảm bảo kết nối Internet tại các trường và đảm bảo thị lực cho học sinh.
Trong một cuộc khảo sát về những vấn đề bất tiện khi sử dụng SGK điện tử do Bộ Giáo dục thực hiện, có đến 48,5% giáo viên trả lời mất thời gian xử lý khi màn hình đơ hoặc gặp lỗi. 40,8% giáo viên phàn nàn học sinh gặp vấn đề truy cập vào thiết bị trong giờ học do trục trặc kết nối Internet tại trường.
Ảnh hưởng đến thị lực của học sinh cũng là một vấn đề đáng quan tâm khác. Trong một cuộc khảo sát sức khỏe học đường được thực hiện vào năm học 2021, 60,28% học sinh trung học cơ sở có thị lực dưới 1,0 (mức thị lực chuẩn tại Nhật Bản). Đây là một tỷ lệ cao kỷ lục. Ngày càng xuất hiện nhiều lo ngại về mối liên hệ giữa việc sử dụng các thiết bị công nghệ với bệnh cận thị ở trẻ em. Đứng trước lo ngại đó, Bộ Giáo dục đã ban hành hướng dẫn về cách sử dụng các thiết bị điện tử để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mắt của học sinh.
Theo Báo Tin tức