Nhật Bản có thể bắt đầu tiêm vắcxin đại trà vào cuối tháng 5

21/01/2021 16:00

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết chương trình tiêm chủng đại trà dự kiến sẽ không áp dụng đối với những người dưới 16 tuổi.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản

Trong nỗ lực khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc khả năng bắt đầu tiêm vắcxin đại trà và miễn phí cho người dân nước này vào cuối tháng Năm tới.

Tuy nhiên, chương trình trên dự kiến sẽ không áp dụng đối với những người dưới 16 tuổi. Lý giải về vấn đề này, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết các nước khác đang sử dụng vắcxin của hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho những người từ 16 tuổi trở lên căn cứ vào các dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng.

Ngày 20.1, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức ký hợp đồng với Pfizer để mua khoảng 144 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 do hãng này bào chế. Nhật Bản sẽ bắt đầu tiêm vắcxin vào cuối tháng Hai tới. Các đối tượng ưu tiên trong giai đoạn đầu gồm các nhân viên y tế, những người từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền.

Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở Nhật Bản. Mới đây, nước này đã phát hiện ba người nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh. Những người này ở trong độ tuổi từ 20 đến 60 và đang sống tại tỉnh Shizuoka, miền Trung Nhật Bản.

Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), những người này hoàn toàn không ra nước ngoài trong thời gian gần đây và không tiếp xúc với người nhiễm biến thể trên. MHLW nghi ngờ ba bệnh nhân COVID-19 nói trên có thể đã nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 thông qua quá trình lây nhiễm trong cộng đồng.

Số liệu thống kê cho thấy tính đến ngày 20.1, số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ở Nhật Bản tiếp tục ghi nhận các mức cao kỷ lục mới ngày thứ 17 liên tiếp và tăng lên 1.014 người. Trong ngày 20/1, nước này ghi nhận thêm 5.532 ca mắc mới, trong đó Tokyo có 1.274 ca, và thêm 92 ca tử vong.

Liên quan công tác phòng, chống dịch, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản vừa thông qua ba dự luật cho phép xử phạt những doanh nghiệp hoặc cá nhân không tuân thủ biện pháp phòng chống COVID-19, trong đó có dự luật cho phép thống đốc các địa phương thuộc diện ban bố tình trạng khẩn cấp yêu cầu các doanh nghiệp đổi giờ làm việc và tiến hành điều tra tại chỗ ngay cả trước khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Các thống đốc sẽ có quyền phạt tiền các doanh nghiệp không tuân thủ với số tiền phạt có thể lên tới khoảng 5.000 USD trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp và khoảng 3.000 USD trong thời gian không ban bố tình trạng này.

Bên cạnh đó, một luật khác có nội dung cho phép các thống đốc yêu cầu những người nhiễm virus SARS-CoV-2 phải ở cơ sở lưu trú được chỉ định. Nếu từ chối tuân thủ, những người này có thể bị yêu cầu nhập viện, nếu vẫn không tuân thủ hoặc trốn viện có thể bị phạt tù tới một năm hoặc phạt tiền tới khoảng 10.000 USD.

Một dự luật khác cũng được thông qua trong đợt này là luật cách ly sửa đổi, theo đó về cơ bản, giới chức Nhật Bản được phép yêu cầu những người từ nước ngoài nhập cảnh phải tự cách ly 14 ngày; những người từ chối tự cách ly có thể bị buộc phải lưu trú tại cơ sở chỉ định. Nếu những người này không tuân thủ, họ có thể phải đối mặt với các hình thức xử phạt hình sự như phạt tù một năm hoặc phạt tiền lên tới khoảng 10.000 USD.

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ thông qua các dự luật nói trên tại cuộc họp trong tuần này và sau đó, sẽ đệ trình lên Quốc hội để thông qua trong kỳ họp hiện nay.

COVID-19: Nhat Ban co the bat dau tiem vacxin dai tra vao cuoi thang 5 hinh anh 2
Vắcxin ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNtech

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định tất cả những người muốn tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đều sẽ được tiêm phòng, vì vậy không nên lo lắng về việc tiếp vắcxin này.

Phát biểu tại một sự kiện phát trực tiếp trên mạng xã hội, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm và vắcxin Mariangela Simao nêu rõ WHO đang rất nỗ lực trong việc đảm bảo mọi quốc gia, người dân trên thế giới có cơ hội tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19. Theo bà Simao, hiện có khoảng 50 nước đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng, trong đó hơn 40 nước là quốc gia có thu nhập cao.

Chương trình COVAX, một sáng kiến do WHO khởi xướng nhằm phân phối vắcxin một cách công bằng cho các nước nghèo trên thế giới, đã đạt được thỏa thuận mua 2 tỷ liều vắcxin từ năm nhà sản xuất.

Chương trình này đặt mục tiêu đảm bảo có đủ vắcxin cho 20% dân số tại mỗi nước tham gia vào cuối năm nay, với ngân sách hỗ trợ dành cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Bà Simao cho biết WHO kỳ vọng có thể phân phối những liều vắcxin đầu tiên đến các nước vào cuối tháng Hai.

Theo thống kê của WHO, hiện có 64 loại vắcxin đang được thử nghiệm trên người, trong đó có 22 loại đã tiến tới giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên quy mô lớn. Trong khi đó, có 173 loại vắcxin đang được bào chế tại các phòng thí nghiệm.

Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có nhiều loại vắcxin với các đặc tính khác nhau. Trong số các loại vắcxin đang được phát triển, có loại chỉ cần tiêm một mũi, có loại sử dụng bằng cách hít qua mũi và có những loại giá thành rẻ. Bà Swaminathan tin tưởng rằng sẽ ngày càng có nhiều loại vắcxin ưu việt so với thế hệ sản phẩm đầu tiên.

Cho đến nay, WHO mới chỉ phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắcxin tiêm hai mũi của Pfizer-BioNTech. Loại vắcxin này đòi hỏi việc bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh. Theo bà Swaminathan, đây cũng chính là vấn đề tại nhiều quốc gia.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhật Bản có thể bắt đầu tiêm vắcxin đại trà vào cuối tháng 5