Giới chức Nhật Bản đang cảnh báo về hiện tượng xã hội mới khi người dân tử vong tại nhà nhưng không được phát hiện trong nhiều ngày, ngay cả khi chung sống với người thân.
Một phụ nữ đi bộ trên đường phố vắng người tại Nhật Bản
Tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) đưa tin tại Tokyo và Osaka trong giai đoạn từ 2017-2019 có 538 người đã “chết cô đơn” trong khi sống với người thân. Tình trạng này khiến các chuyên gia kêu gọi đẩy mạnh hỗ trợ đối với những gia đình gặp khó khăn.
Nhiều trường hợp có liên quan đến chứng bệnh sa sút trí tuệ. Tại Osaka, 30% trường hợp “chết cô đơn” khi sống với người thân mắc bệnh sa sút trí tuệ.
Nguyên nhân là người mắc chứng sa sút trí tuệ đã tự tách biệt bản thân với các thành viên khác trong gia đình.
Tình trạng “chết cô đơn” đã xảy ra tại nhiều khu vực ở Nhật Bản tuy nhiên chưa có thống kê chính thức trên toàn quốc, ngoài Tokyo và Osaka. Một quan chức Bộ Y tế Nhật Bản đánh giá chính quyền địa phương dường như đã không theo dõi sát sao những người dễ bị tổn thương đang sống với người thân. Theo ông này, các trường hợp tự tách biệt và không được người thân để mắt tới đang ngày càng tăng tại xã hội già hóa của Nhật Bản trong khi các gia đình nhỏ thường có mối liên hệ truyền thống nhạt nhòa hơn.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản, khoảng 4,6 triệu người dân nước này mắc chứng sa sút trí tuệ, con số này dự kiến đến năm 2025 tăng lên 7,3 triệu người.
Theo TTXVN