Nhân vật “em” trong “Đôi mắt người Sơn Tây”

12/12/2011 11:01

Nhà thơ Quang Dũng (1921- 1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, sinh tại làng  Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Tây (cũ). Ông là một nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tài hoa. Tuy sáng tác không nhiều nhưng thơ Quang Dũng có chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc với giọng thơ lãng mạn, hào hoa pha chất bi hùng. Bên cạnh bài thơ “Tây Tiến” thì bài “Đôi mắt người Sơn Tây” của ông hay được nhắc tới như một ví dụ tiêu biểu về thơ Quang Dũng. Nhưng ít ai biết được nhân vật “em” trong bài thơ là một con người có thật, ghi dấu mối tình tha thiết mà đau đớn trong cuộc đời của nhà thơ.

Trước khi gặp cô gái Sơn Tây có đôi mắt “dìu dịu chiều Tây Phương” thì Quang Dũng đã có gia đình. Đêm toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Hà Nội bốc cháy nghi ngút. Quang Dũng thoát khỏi thủ đô trước, dừng lại dọc đường chờ vợ và con trai nhỏ ra để cùng tản cư. Nhưng chờ hết một đêm, một ngày, rồi lại đêm nữa, ngày nữa… chỉ thấy khói lửa bốc lên mù mịt và tiếng súng vang rền phía thủ đô. Sau đó, Quang Dũng gặp một người quen cùng xóm cũng vừa thoát ra. Người ấy cho biết, vợ và con anh đã bị giặc chặn, bắn chết trên đường chạy loạn cùng rất nhiều người dân khác nữa. Những người đi sau cũng xác nhận tin này. Quang Dũng bàng hoàng đau xót nhưng không thể quay trở lại. Anh đi tản cư, rồi vào bộ đội, mang trong lòng vết thương lớn của người chồng mất vợ, người cha mất con bởi bàn tay tàn ác của kẻ thù.

Có mặt trong đoàn quân Tây Tiến, sau thời gian vượt sông Mã, qua Thượng Lào trở về, Quang Dũng dừng chân ở Thanh Hóa. Một hôm, trong lúc buồn bã, anh lang thang dọc theo con sông đào Nông Giang, vào thị trấn Hậu Hiền, một thị trấn rất đông người tản cư, thì bất chợt gặp một cô gái bán hàng có đôi mắt quen quen. Nhìn kỹ, Quang Dũng nhận ra cô gái ấy vốn là người bạn cũ, học cùng phổ thông từ thuở ở Sơn Tây. Cô gái kể, gia đình chẳng còn ai vì bom đạn,  một mình cô tản cư vào Thanh Hóa, bán hàng nuôi thân. Nhìn đôi mắt buồn bã của người bạn gái kể về gia cảnh, Quang Dũng không nén nổi xúc động. Nỗi nhớ quê, nhớ tuổi học trò hoa mộng; nỗi đau mất vợ mất con… trỗi dậy. Chia tay cô gái, nhà thơ viết “Đôi mắt người Sơn Tây”, trong đó có những câu trĩu nặng nỗi niềm:
Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt
Trời xanh không thấy bóng Ba Vì

Vầng trán em mang trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương?



Sau đó, họ gặp lại nhau nhiều lần nữa. Hai con người xa quê hương, mất hết gia đình tìm thấy sự đồng cảm, yêu thương. Họ về sống với nhau trong một gian nhà tranh, cạnh con sông đào Nông Giang. Quang Dũng vẫn đi chiến đấu xa nhà, thỉnh thoảng mới có dịp ghé thăm người vợ trẻ. Một lần, anh vừa về, đang hàn  huyên tâm sự trong nhà với vợ thì nghe tiếng ai đó gọi tên mình. Bước ra, nhà thơ sững người. Trước mắt anh là vợ và con trai,  bấy giờ đã 10 tuổi. Hóa ra, trong cái đêm khói lửa ấy, họ mắc lại nhưng không chết như những người hàng xóm tưởng, mà cuối cùng thoát được, và lặn lội đi tìm anh khắp nơi. Tình huống trớ trêu ấy khiến cả ba người lớn vô cùng khó xử. Cuối cùng, người vợ trước của nhà thơ tự nguyện mang con trai về thành sinh sống, tảo tần lo cho con ăn học. Quang Dũng lại về đơn vị, thỉnh thoảng tạt về thăm “cô gái Sơn Tây”. Một hôm, nhà thơ về đến nhà đã thấy vợ lạnh cứng trong chăn. Cô đã chết tự lúc nào. Hỏi xóm giềng, Quang Dũng mới biết vợ mình bị sốt rét nặng. Ở một mình, không người chăm sóc, cô đã không qua khỏi. Mai táng vợ xong, Quang Dũng lại mang ba lô lên đường, trong lòng thêm một vết thương đau đớn nữa. Nỗi đau ấy trở thành nỗi ám ảnh trong những bài thơ của ông:

Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình


(Trắc ẩn)

VIỆT NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân vật “em” trong “Đôi mắt người Sơn Tây”