Nhận trái đắng vì bị lừa xuất khẩu lao động

27/09/2020 06:28

Vì nhẹ dạ, cả tin, thiếu cảnh giác mà hàng chục người dân trong tỉnh sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động. Giấc mộng đổi đời chưa thấy nhưng nhiều gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần.


Đối tượng Tưởng bị phạt tù nhưng không còn khả năng trả trên 343 triệu đồng cho các bị hại

Vỡ mộng...

Vì muốn thay đổi cuộc sống, giữa năm 2018 anh N.V.T. ở huyện Tứ Kỳ đến Công ty TNHH Vương Đăng Minh (trụ sở tại phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) đăng ký, làm thủ tục xuất khẩu lao động (XKLĐ). Vay mượn họ hàng, người thân, anh T. đã chuyển cho Giám đốc công ty là Trần Thị Thoa (51 tuổi, ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn) 12.800 USD để đi lao động tại Hàn Quốc. Anh T. chờ đợi suốt hơn 2 năm mà vẫn chưa thể đi XKLĐ. Trong khi đó, tiền vay mượn ngày càng nhiều vì lãi mẹ đẻ lãi con. Anh T. nhiều lần tìm gặp Thoa để thúc giục, đòi lại tiền nhưng thị khất lần, lảng tránh. Sợ bị lừa, mất trắng số tiền trên, anh T. đã làm đơn trình báo Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) với hy vọng đòi lại được đồng nào hay đồng ấy. 

Sau khi xác minh, điều tra, tháng 7.2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Thoa về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo kết quả điều tra, ngoài anh T., từ tháng 7.2018 - 5.2019, công ty của Thoa đã nhận tiền của 5 người khác ở các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành và TP Hải Dương với cam kết, hứa hẹn lo cho họ đi lao động và kết hôn tại Hàn Quốc. Vì không có khả năng đưa người đi nước ngoài nên khi bị thúc giục, đòi lại tiền, Thoa đã bỏ trốn khỏi địa phương. Tổng số tiền Thoa chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng.

Gần đây, ngày 18.9, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tuyên phạt Phạm Văn Tưởng (51 tuổi, ở xã Quang Phục, Tứ Kỳ) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm2017, khi đang làm quản lý đền Mắc ở xã Quang Phục, Tưởng rêu rao có một "đệ tử" làm ăn, sinh sống tại nước Anh và người này có khả năng lo cho người lao động Việt Nam sang Anh làm việc. Tưởng ra giá chi phí đưa một người đi lao động tại Anh là 900 triệu đồng và để đi thì phải nộp trước 50% số tiền trên. Tin vào những lời hứa suông của Tưởng, 2 gia đình ở huyện Bình Giang đã đưa cho Tưởng trên 700 triệu đồng để đưa 2 con trai đi lao động tại Anh. Hết thời hạn cam kết, các con không thể sang Anh, các gia đình nhiều lần gặp Tưởng để đòi tiền nhưng hắn chỉ trả lại 396,7 triệu đồng, còn nợ 343,3 triệu đồng.

... vì thiếu thông tin

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, những năm gần đây, dù không phổ biến nhưng trong tỉnh vẫn có nhiều vụ án lừa đảo XKLĐ. Có những vụ việc hàng chục người bị lừa với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng. Thủ đoạn của các đối tượng không quá tinh vi nhưng do người dân thiếu thông tin, thiếu kiến thức về các quy định liên quan đến XKLĐ nên dễ bị mắc bẫy. Thậm chí, nhiều người tự biến mình thành con mồi cho bọn lừa đảo vì cố tình tìm đến những đối tượng, đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp với hy vọng có thể XKLĐ bằng thủ tục đơn giản, chi phí thấp nhưng có thu nhập cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý các hoạt động liên quan đến XKLĐ chưa thực sự chặt chẽ, còn lỗ hổng. Nhiều doanh nghiệp chỉ có chức năng tạo nguồn, không được trực tiếp đưa người đi lao động ở nước ngoài nhưng vẫn đứng ra tuyển dụng, thu phí, cam kết tổ chức XKLĐ. Đến khi không có khả năng đưa người đi lao động thì chiếm đoạt số tiền mà người dân đã nộp.

Được biết, việc thu hồi tài sản trong các vụ án lừa đảo nói chung và lừa đảo XKLĐ rất khó khăn. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng tiền mà các bị hại nộp vào mục đích khác hoặc tiêu xài cá nhân nên đến khi bị bắt thì không còn khả năng trả tiền. Vì vậy, dù các đối tượng bị xử lý nghiêm, phạt tù thì không ít gia đình cũng lâm vào cảnh nợ nần, khánh kiệt.  

Theo trung tá Nguyễn Văn Phác, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh), để ngăn chặn tội phạm lừa đảo liên quan đến XKLĐ cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Người dân cần hết sức tỉnh táo, đề cao cảnh giác đối với những đối tượng môi giới, tuyển người đi lao động ở nước ngoài để tránh tiền mất, tật mang. Hiện nay, trên trang thông tin của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại địa chỉ dolab.gov.vn thường xuyên cập nhật, đăng tải đầy đủ thông tin những doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép XKLĐ và các thông tin liên quan đến thủ tục cần thiết để đi lao động tại nước ngoài. Người dân cần lưu ý, tất cả doanh nghiệp XKLĐ đều phải có chương trình đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Khi ký hợp đồng, người lao động cần yêu cầu doanh nghiệp ký trực tiếp với mình. Hợp đồng ghi rõ nơi làm việc ở các nước. Nếu không nêu được cụ thể hay né tránh ghi điều này trong hợp đồng thì nhiều khả năng công ty không có chức năng hoặc lừa đảo. Khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, mọi người cần báo ngay cho lực lượng chức năng để kịp thời giải quyết.

VŨ QUÝ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhận trái đắng vì bị lừa xuất khẩu lao động