Chỉ sau hai tháng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh viết bài “Nhân tài và kiến quốc”, đăng báo Cứu quốc, ngày 14-11-1945.
Người kêu gọi: “Sau 80 năm bị bọn thực dân Pháp giày vò, nước Việt Nam ta cái gì cũng kém cỏi, chỉ có lòng sốt sắng của dân là cao quý. Nay muốn giữ vững nền độc lập thì chúng ta phải đem hết lòng hăng hái đó vào đường kiến quốc... Kiến thiết thì phải có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều...
Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được Bác Hồ quan tâm từ rất sớm, ngay trong thời kỳ chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1925, Bác tập hợp những thanh niên trẻ, giàu lòng yêu nước, có tri thức vào tổ chức Hội Thanh niên cách mạng Việt Nam. Người đích thân tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ, rèn luyện đạo đức cách mạng và bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho họ. Đây là những lớp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ nhân tài đầu tiên trở thành lực lượng có ảnh hưởng to lớn đối với cách mạng của thời kỳ dựng Đảng, cứu quốc trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Đi đôi với việc phát hiện nhân tài, Bác yêu cầu người lãnh đạo, quản lý phải biết sử dụng, trọng dụng nhân tài một cách hợp lý, để không làm “thui chột” nhân tài. Theo Người, việc này phải làm thường xuyên, liên tục như “người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”. Trong việc dùng người, Bác nêu rõ: “Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”. Việc dùng nhân tài phải hợp lý, đúng năng lực và sở trường của họ, đúng người, đúng việc, chớ “dùng thợ mộc làm nghề thợ rèn” và phải cho họ hiểu rõ mọi mặt các công việc họ phải phụ trách. Dùng người tài mà không đúng công việc sẽ không chạy, không được việc, làm thui chột nhân tài và có hại cho Đảng và nó cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác cán bộ của Đảng.
Ngày nay, thực hiện lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc” của Bác Hồ, Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu 3 khâu đột phá để phát triển, đổi mới đất nước, trong đó có khâu đột phá quan trọng là phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, trong đó có đội ngũ trí thức. Tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài là bài học vô giá của cách mạng Việt Nam trước đây và nhất là hiện nay.
HOÀNG YẾN(thực hiện)