Nhận rõ để sửa chữa khuyết điểm

18/03/2012 15:36

Trước khi ra đi, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế bản Di chúc vô cùng quý báu...


Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị phổ biến Nghị quyết của Bộ Chính trị về cuộc vận động:  Nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (Cuộc vận động ba xây, ba chống), 27-7-1963

Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Và trước khi “lên đường để đi gặp các cụ Các Mác, Lê-nin”, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế bản Di chúc vô cùng quý báu. Trong đó, những lời căn dặn đầu tiên Người dành để nói về Đảng.


Trước hết, Người nhắc về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Vì vậy, sự lãnh đạo của Đảng là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”. Nói cách khác, mục đích của Đảng là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Muốn đạt được mục đích đó, Đảng phải có trách nhiệm “vận động và tổ chức dân chúng”. Vai trò, sứ mạng của Đảng như là “người cầm lái”, người dẫn đường, đứng mũi chịu sào trong mọi hành động. Đảng có trách nhiệm hoạch định đường lối đúng đắn và đưa đường lối đó “vào nhân gian”, để giác ngộ, tập hợp, tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh thực hiện công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Là Đảng cầm quyền nên Đảng càng phải ý thức đầy đủ, sâu sắc chức trách xã hội của mình. Theo Người, nếu không gắn bó mật thiết với nhân dân, không tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thì Đảng sẽ rơi vào tình trạng quan liêu, từ đó sẽ mất đi sức sống vốn có của Đảng. Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là điều kiện tồn tại và phát triển của Đảng. Chỉ có qua thực tế hoạt động, Đảng mới tổng kết, đúc rút ý kiến của nhân dân để từ đó thành chủ trương, đường lối của người lãnh đạo rồi quay trở lại lãnh đạo, phục vụ quần chúng. Người căn dặn lãnh đạo phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân nhưng tuyệt đối không theo đuôi quần chúng.

Mặt khác, Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò đoàn kết trong Đảng. Người dặn phải “Giữ gìn sự đoàn kết của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Chỉ khi Đảng đoàn kết, thống nhất thì mới phát huy được sức mạnh của tổ chức, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mới tập hợp, lãnh đạo nhân dân thực hiện thành công mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Sự đoàn kết, thống nhất giúp cho Đảng vượt qua mọi khó khăn, vững vàng trong mọi thử thách. Cơ sở để xây dựng khối đoàn kết trong Đảng cả về tư tưởng, tổ chức, hành động chính là đường lối, quan điểm và Điều lệ Đảng. Người căn dặn để thực hiện sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng thì phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất”. Mỗi đảng viên phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm. Có tự phê bình tốt thì mới phê bình người khác tốt được. Đây là biện pháp để rèn luyện đảng viên, nhằm tăng cường sự đoàn kết nội bộ. Người chỉ rõ “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Để thực hiện có hiệu quả việc phê bình và tự phê bình, đòi hỏi mỗi người phải  trung thực, chân thành với bản thân cũng như với người khác, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đặc biệt “mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo quan niệm của Người, đạo đức cách mạng được thể hiện tập trung ở nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. Người cán bộ của Đảng phải là người có đạo đức và phấn đấu vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hội nhập ngày càng sâu, rộng với bên ngoài. Vì vậy, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và thế giới. Sự tấn công thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch, những mặt trái của cơ chế thị trường, của quá trình hội nhập quốc tế… đã và đang tác động nhiều chiều đến đời sống của nhân dân và mỗi cán bộ, đảng viên. Trong hoàn cảnh này, để hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng chỉnh đốn thật vững vàng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, việc nghiên cứu và học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người nói riêng là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên. 

TRẦN VĂN LỢI

(0) Bình luận
Nhận rõ để sửa chữa khuyết điểm