Nhan nhản vi phạm hành lang đê điều

25/06/2014 04:01

Đã quá thời hạn cấm khai thác cát và giải tỏa hành lang thoát lũ gần 10 ngày nhưng nhiều vi phạm vẫn hiện hữu trên các tuyến sông...



Bờ bãi đê hữu sông Kinh Môn đoạn qua xã Kim Xuyên (Kim Thành) bị sạt lở nặng. Ảnh: LA


Mùa mưa bão năm nay được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, công tác phòng chống lụt, bão không thể lơ là, chủ quan. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hành lang thoát lũ ở nhiều nơi trong tỉnh vẫn còn ngổn ngang. Việc xử lý vi phạm đê điều ở nhiều địa phương vẫn "giơ cao đánh khẽ".

Bất chấp lệnh cấm

Mặc dù trời nắng chang chang nhưng trên tuyến đê hữu sông Rạng, đoạn qua xã Thanh Lang (Thanh Hà) luôn có 2 dân quân xã túc trực. Họ ở đây để bảo vệ tuyến đê trước sự tàn phá của nạn khai thác cát trái phép. Anh Nguyễn Văn Phố, dân quân của xã Thanh Lang dẫn tôi đi thăm khu vực sạt lở bãi sông. Tại đây, nhiều diện tích bãi đã bị sạt lở, sông đã tiến sát chân đê, có chỗ chỉ cách vài mét. Anh Phố cho biết: "Năm ngoái bờ bãi còn cách đê gần 20 m nhưng "cát tặc" hoạt động rất mạnh làm mất bãi nhanh. Nếu chúng tôi không ở đây ngăn chặn thì chẳng mấy chốc tuyến đê này sẽ bị sạt lở".

Theo Hạt Quản lý đê huyện Thanh Hà, mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng của huyện đã tích cực kiểm tra, giám sát và ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép nhưng nhiều chủ tàu vẫn lén lút hoạt động. Trên toàn tuyến hiện có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng tại các xã Thanh Lang và Liên Mạc cần phải xử lý khẩn cấp. Nhiều điểm sạt lở lấn sâu vào thân đê, đe dọa an toàn toàn tuyến đê khi mùa bão lũ đang đến gần.

Đi dọc tuyến đê hữu sông Thái Bình đoạn qua các xã Ngọc Sơn, Bình Lãng (Tứ Kỳ), chúng tôi thấy nhiều bến bãi vẫn hoạt động tấp nập như chưa hề có lệnh cấm. Hàng trăm bãi cát lớn, nhỏ cao ngất trên các bến bãi. Những chiếc xe tải nặng chuyên chở cát, đá vẫn đi lại rầm rập qua đê. Anh Nguyễn Văn Hậu, chủ một bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở xã Bình Lãng cho biết: "Do thị trường bất động sản chưa khởi sắc nên vật liệu xây dựng từ đầu năm đến nay ế ẩm. Doanh nghiệp cũng chưa ký được hợp đồng tiêu thụ mới nên chưa giải tỏa đi đâu được". Không chỉ riêng ở Tứ Kỳ, nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, kinh doanh than ở Thanh Hà, Kinh Môn và TP Hải Dương vẫn chưa thực hiện giải tỏa theo quy định. Theo ông Nguyễn Văn Đức, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Kinh Môn, trên địa bàn hạt quản lý có hơn 60 bến bãi đang hoạt động phía ngoài đê. Nhiều điểm chất tải cao hơn mặt đê từ 5-6 m. Hiện nay, mặc dù tình trạng các xe tải đi trên mặt đê đã hạn chế nhưng vẫn chưa triệt để. Một số nơi vẫn để xe tải đi trên đê, làm hư hỏng mặt đê. Vẫn còn tình trạng đổ rác bừa bãi ra khu vực hành lang đê...

Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, ngày 15-5, UBND tỉnh đã yêu cầu các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài bãi sông phải giải phóng vật liệu. Các bến chứa vật liệu ngoài bãi sông cao quá mức quy định, lò gạch xây dựng trái phép, nhà tạm phải san tản để trả lại hành lang thoát lũ của sông; đồng thời đắp trả lại các vị trí đê bị cắt, xẻ làm đường ra các bến bãi xong trước ngày 20-5. Từ ngày 1-6, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố phải lập các ba-ri-e trên các điểm đầu lên đê, nhằm quản lý các phương tiện giao thông, đi lại theo đúng quy định, tránh làm hư hỏng mặt đê và bảo đảm đê an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa nghiêm túc thực hiện, hành lang thoát lũ vẫn chưa thông thoáng.




Đã quá thời hạn phải giải tỏa gần 10 ngày, nhiều bến bãi ngoài đê vẫn tập kết vật liệu cao ngất

Cần xử lý nghiêm

Các vi phạm hàng lang đê điều có tác động không nhỏ đến việc bảo đảm an toàn các tuyến đê, nhất là trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý các vi phạm này vẫn rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: "Nguyên nhân khiến các vi phạm hành lang đê điều phát hiện nhiều xử lý ít do chính quyền địa phương xử lý chưa kiên quyết, còn tình trạng nể nang. Một số vi phạm hành lang đê điều kéo dài nhưng không được địa phương giải quyết dứt điểm. Hiện nay, vi phạm lớn nhất cần tập trung xử lý là việc khai thác cát trái phép và tập kết bến bãi vật liệu xây dựng cao quá mức cho phép".

Theo quy định của Luật Đê điều, cơ quan chuyên trách quản lý đê không có chức năng xử phạt hành chính trong khi chính quyền cấp huyện, xã lại không thực hiện các biện pháp "mạnh tay" nên khó giải tỏa được các vụ vi phạm đã tồn tại nhiều năm nay, đồng thời phát sinh vi phạm mới. Ông Nguyễn Đức Lư, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải cho rằng, những vi phạm hành lang đê điều còn khó xử lý do người dân cố tình chây ỳ không thực hiện. Toàn tuyến đê Bắc Hưng Hải nhiều hộ đào ao thả cá, xây chuồng trại chăn nuôi sát mép đê. Tuy nhiên, khi lực lượng quản lý đê của công ty nhắc nhở, thậm chí phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản đến 3-4 lần, người dân vẫn cố tình không thực hiện. Do đó, để hành lang đê điều không bị xâm phạm rất cần sự góp sức và ý thức bảo vệ của chính những người dân. Hơn nữa, khi người dân không hợp tác thì chính quyền địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền và kiên quyết vào cuộc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để răn đe. Hạt quản lý đê các huyện thường xuyên kiểm soát những tuyến đê do đơn vị quản lý để sớm phát hiện và thông báo kịp vi phạm để cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý.

Thời gian qua, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn vi phạm hành lang đê như: lập biểu đồ hiện trạng toàn tuyến đê; cho người dân sống ven đê ký cam kết không vi phạm hành lang đê điều và xây dựng tuyến đê kiểu mẫu... Với cách làm này hy vọng việc vi phạm hành lang đê điều ở tỉnh ta sẽ giảm. Tuy nhiên, quan trọng và cần kíp hơn cả là chính quyền các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo chính quyền cơ sở và các ngành chức năng giải tỏa vi phạm hành lang thoát lũ theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xử lý 54 vụ khai thác cát trái phép, giải tỏa 34 chuồng trại, nhà tạm vi phạm hành lang đê điều. Tổng số tiền phạt hơn 500 triệu đồng.


HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhan nhản vi phạm hành lang đê điều