Nhân lực thời 4.0

16/02/2021 06:34

Một trong những thế mạnh của Hải Dương là có nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ cao. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lao động không ngừng nâng lên.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vừa là cơ hội cũng là thách thức đối với Hải Dương trên con đường hội nhập, phát triển với mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 và là tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Muốn thực hiện được mục tiêu này, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực rất quan trọng.

Nhiều nhưng chưa tinh

Một trong những thế mạnh của Hải Dương là có nguồn nhân lực dồi dào, tỷ lệ lao động trẻ cao. Trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lao động không ngừng nâng lên. Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn hạn chế và là rào cản cho sự phát triển. 


Thường xuyên được thực hành tại trường và doanh nghiệp sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường có kỹ năng tay nghề cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong ảnh: Sinh viên Khoa Điện Trường Đại học Sao Đỏ trong một tiết thực hành

Công ty TNHH May Tinh Lợi (100% vốn đầu tư Hồng Kông, Trung Quốc) hiện là một trong những doanh nghiệp (DN) có nhiều lao động đang làm việc nhất tỉnh (khoảng 19.000 người). Bà Trần Thị Vượng, Phó Tổng Giám đốc Hành chính - Nhân sự công ty cho biết: "Công ty phải đào tạo bài bản từ đầu với lao động phổ thông mới vào làm, đào tạo thêm với những người vừa tốt nghiệp trường nghề và có khoảng 12% số lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không nhiều người sử dụng thành thạo ngoại ngữ".

Chia sẻ của bà Vượng cũng như của lãnh đạo nhiều DN khác trong tỉnh cho thấy thực tế việc tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin của người lao động mới cơ bản đáp ứng yêu cầu, chưa có sự sáng tạo và nghiên cứu chuyên sâu, nhiều vị trí vẫn phải hướng dẫn tỉ mỉ mới làm được. Một bộ phận không nhỏ công nhân chưa hình thành tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật kém. Hoạt động đào tạo của các trường, trung tâm đào tạo nghề chưa theo kịp nhu cầu của DN. Quy mô, chiến lược đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã từng bước bắt nhịp nhu cầu của xã hội, nhưng chưa chuyên sâu, học sinh, sinh viên ít được thực hành dẫn tới kỹ năng nghề, khả năng hòa nhập còn hạn chế. "Chất lượng công nhân còn nhiều hạn chế khiến DN phải tốn kém chi phí, mất thời gian đào tạo thêm", bà Vượng nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT chưa tốt. Tư tưởng chỉ có đại học mới là con đường duy nhất dẫn tới thành công vẫn đang tồn tại ở một bộ phận không nhỏ học sinh và phụ huynh. Điều này dẫn tới tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn khá phổ biến... Chất lượng nguồn nhân lực chưa bảo đảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số DN sau khi khảo sát tình hình tại Hải Dương đã không đầu tư.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định 3 khâu đột phá để đưa Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, trong đó có "nâng cao chất lượng nguồn nhân lực".

Các chuyên gia cho rằng Hải Dương cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, cần xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh như hỗ trợ người học nghề, tự tìm việc làm, tự tạo việc làm, xuất khẩu lao động. Cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo trong các cấp học, nhất là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tỉnh cần có chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những người có trình độ cao, nhất là đội ngũ trí thức trẻ và những tài năng trẻ về tỉnh làm việc. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo, huy động nguồn lực để xây dựng các trường dạy nghề chất lượng cao. Khuyến khích các DN thành lập cơ sở tự đào tạo lao động phục vụ nhu cầu của DN mình. Quan tâm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tác phong, kỷ luật lao động cho người lao động ...

Công tác đào tạo nguồn nhân lực là giải pháp cần đặt lên hàng đầu. Trong đó chú trọng phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp THCS, góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực. Để làm tốt việc phân luồng, các địa phương có thể học tập kinh nghiệm từ huyện Gia Lộc. Cách làm của Gia Lộc là UBND huyện ra văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc phân luồng. Các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp cử cán bộ xuống từng trường để gặp gỡ, tuyên truyền giúp học sinh, phụ huynh hiểu được những lợi ích khi tham gia học nghề. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đầu tư mở rộng nhà xưởng thực hành, tích cực liên kết đào tạo với các trường nghề trong tỉnh. 

Các trường đại học, cao đẳng nghề cần đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo, gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các DN, nhu cầu của thị trường. Trường Đại học Sao Đỏ đã và đang đi theo hướng này. Nhà trường đã xây dựng chiến lược hợp tác đào tạo với khoảng 50 tập đoàn, DN trong và ngoài tỉnh. “Tới đây, sinh viên của trường trước khi tốt nghiệp phải trải qua ít nhất từ 2-2,5 tháng thực tập, trải nghiệm tại các DN. Trường cũng sẽ tăng cường bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ, tin học và giáo dục kỹ năng, tác phong lao động công nghiệp cho sinh viên”, TS. Nguyễn Thị Kim Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Nhiều trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cũng đang đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng các trung tâm thực hành và cơ cấu lại các ngành, phương pháp đào tạo; tăng cường hợp tác với DN trong đào tạo, cung ứng nhân lực. 

Hải Dương đang bước vào giai đoạn "dân số vàng" với khoảng 56-57% số dân trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của tỉnh tính đến năm 2020 đạt 24%, tăng 5,2% so với năm 2015. Toàn tỉnh có 5 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp. Mỗi năm quy mô tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh hơn 28.000 người.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân lực thời 4.0