Năm nay, lô nhãn đầu tiên của cả nước xuất khẩu sang các nước EU xuất phát từ vùng sản xuất ở TP Chí Linh. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín đã đến đặt hàng từ sớm vì sợ hết nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hơn 3 ha nhãn của nhà ông Nguyễn Văn Viễn đã được doanh nghiệp đặt mua để xuất khẩu
Khác với vụ trước, việc xuất khẩu nhãn còn dè dặt, thận trọng, năm nay nhãn Hải Dương đã ở vị thế mới, được nhiều doanh nghiệp săn đón để thu mua xuất khẩu.
Khẳng định chất lượng
Ngày 19.7, lô nhãn đầu tiên của cả nước đã từ vùng sản xuất ở TP Chí Linh lên đường sang Cộng hòa Pháp để từ đây phân phối sang các nước EU khác. Đây là vinh dự của người trồng nhãn Chí Linh. Năm trước, Hải Dương đã xuất khẩu nhãn sang các nước Anh, Australia, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hungary nhưng số lượng không nhiều do chất lượng còn hạn chế, doanh nghiệp phải lựa chọn kỹ lưỡng. Còn năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản uy tín phải giữ chỗ từ sớm vì sợ hết hàng nhãn xuất khẩu. Anh Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ FUSA (TP Hải Dương) cho biết: "Là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong xuất khẩu nông sản, chúng tôi có thể khẳng định nhãn trồng ở Hải Dương có chất lượng hơn hẳn, là sản phẩm tốt nhất để xuất khẩu. Các doanh nghiệp ưu tiên thu mua nhãn ở đây bởi ngoài bảo đảm các điều kiện về kiểm dịch thì nhãn Hải Dương có vỏ sáng, nhẵn nên sẽ bỏ qua được bước xử lý vỏ quả. Để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thu mua nhãn Chí Linh từ nay tới cuối vụ".
Hơn 3 ha nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Viễn ở khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến (Chí Linh) đã được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá ổn định 30.000 đồng/kg. Không phải lần đầu nhãn của nhà được thu mua xuất khẩu song đợt này ông Viễn lại rất lạc quan. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nông sản xuống giá, ngay cả những khu vực trồng nhãn lân cận cũng không tránh khỏi việc bị ép giá. Thế nhưng nhãn trong khu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế vẫn được mua với giá cao, thậm chí các doanh nghiệp còn phải đưa ra giá cạnh tranh để có được cái gật đầu của người dân. "Dù trong hoàn cảnh nào, nếu sản phẩm tốt thì tiêu thụ vẫn thuận lợi. Giờ quả nhãn đã rộng cửa xuất khẩu nên bà con sẽ không phải lo lắng về đầu ra mà chỉ cần chuyên tâm sản xuất để làm ra quả nhãn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu", ông Viễn phấn khởi nói.
Nhãn Hải Dương đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khó tính
Không mất nhiều thời gian như quả vải
Hải Dương có hơn 2.000 ha nhãn, trong đó vùng nhãn ở TP Chí Linh hình thành theo hướng chuyên canh với diện tích khoảng 730 ha. Thời gian trước nhãn không được xếp vào danh sách cây ăn quả thế mạnh của tỉnh. Tuy nhiên với tiềm năng và lợi thế hiện có, các địa phương đang định hướng phát triển cây nhãn phù hợp để không lãng phí nguồn lợi từ giống cây này.
Năm nay, toàn tỉnh xây dựng gần 51 ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế ở các xã, phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Bến Tắm, Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Dù mới áp dụng canh tác theo kỹ thuật GlobalGAP song nông dân không hề bỡ ngỡ mà phối hợp nhịp nhàng với cơ quan chuyên môn. Kết quả kiểm định hơn 800 hoạt chất bảo vệ thực vật đều ở trong ngưỡng cho phép, đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu khắt khe của thị trường khó tính nhất. Các doanh nghiệp chủ động liên kết, đặt vấn đề thu mua xuất khẩu chứ người trồng không còn phải vất vả mời gọi như trước. Năm nay, ngoài bạn hàng cũ, doanh nghiệp phát triển thị trường xuất khẩu nhãn chủ lực sang các nước EU. Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch UBND TP Chí Linh cho biết: "Với tín hiệu khả quan từ thị trường xuất khẩu, thành phố sẽ mở rộng vùng nguyên liệu nhãn bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Không chỉ phục vụ thị trường khó tính mà còn đáp ứng nhu cầu của các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong cả nước. Giá trị kinh tế của loại nông sản này cũng từ đó mà nâng lên".
Cùng với vải, nhãn là trái cây được xuất khẩu sang thị trường khó tính với số lượng lớn của tỉnh. Vì đã có kinh nghiệm xây dựng vùng vải xuất khẩu nên việc phát triển vùng nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế cũng thuận lợi hơn. Quả nhãn không mất thời gian tiếp cận thị trường khắt khe lâu như quả vải. Từ lợi thế này, các địa phương cần chủ động có phương án sản xuất phù hợp để có thể khai thác tối đa giá trị của quả nhãn. "Hiện các doanh nghiệp đã kết nối với nông dân, sẵn sàng cho những đơn hàng xuất khẩu. Song do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, việc vận chuyển tiêu thụ nhãn cũng khó khăn hơn. Vì thế, cần có giải pháp tối ưu để bảo đảm tiêu thụ nói chung và xuất khẩu nhãn nói riêng thuận lợi", bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định.
Theo Phòng Kinh tế TP Chí Linh, từ đầu tháng8, nông dân bắt đầu thu hoạch nhãn chính vụ. Để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ nhãn, thành phố đã xây dựng kịch bản ứng phó. Tập trung liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn và đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị; đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Các doanh nghiệp thu mua được hỗ trợ, tạo điều kiện để đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch. Thành phố đã lấy thêm 6 mẫu quả ở các xã Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám và phường Hoàng Tân kiểm định tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua. |
HOÀNG KIÊN