Bị thương trong lúc chiến đấu, đơn vị tưởng anh đã hy sinh nên báo cáo làm giấy báo tử. Ai ngờ người chiến sĩ ấy vẫn sống và chiến đấu kiên cường.
Đồng chí Lê Đăng Trung (bên trái) cùng đồng đội dâng hương tại bia tưởng niệm các liệt sĩ K10 đặc công tại Mai Lĩnh, Hải Lăng (Quảng Trị)
Đầu tháng 4.1968, anh Lê Đăng Trung và 20 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 338 được điều vào tăng cường lực lượng cho Tiểu đoàn 10 (K10) đặc công Quảng Trị. Chưa kịp nghỉ ngơi cho lại sức, các anh phải bắt tay vào huấn luyện, chuẩn bị cho đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. Ngay trận chiến đấu đầu tiên vào đêm 7.7.1968, các anh đã cùng đơn vị tiêu diệt gọn một Tiểu đoàn Mỹ ở hai căn cứ Rú Hợp và Thượng Xá (huyện Hải Lăng). Tiếp theo là trận Tân Điền đêm 15.8.1968 vang dội.
Giữa lúc toàn đơn vị khẩn trương chuẩn bị cho những đợt chiến đấu mới, anh Trung không may bị sốt rét ác tính quật ngã, lên cơn co giật, cắn sứt cả môi, cả lưỡi mà không biết. Hai tháng nằm điều trị anh tưởng dài đến hai năm, chỉ mong sao chóng khỏi về đơn vị. Thế rồi ngày ấy đã đến.
Đó là trận tiêu diệt căn cứ Cồn Dê được ấn định vào ngày 19.3.1969. Lúc này, sức khỏe của anh chưa hoàn toàn bình phục nhưng anh vẫn bám sát đội hình, sử dụng thành thạo B40 diệt gọn 2 chiếc xe tăng, 1 nhà bạt và 1 ổ đại liên khiến hàng chục tên giặc chết tại chỗ. Anh vô cùng sung sướng được đơn vị bình công đạt 3danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt ngụy, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì.
Sau một thời gian củng cố lực lượng, ngày 24.7.1969, Tiểu đoàn 10 các anh có nhiệm vụ đánh cao điểm Cốc Ba Sai, hỗ trợ Sư đoàn bộ binh 320 vây lấn cao điểm 995 và khống chế phần lớn mặt trận phía nam của địch.
Cốc Ba Sai địa hình hiểm trở. Đó là điều bất lợi cho ta. Địch lợi dụng triệt để về địa thế và hỏa lực, chúng thi nhau nhả đạn làm một số đồng chí của ta bị thương vong. Bản thân anh cũng dính nhiều mảnh đạn. Anh cắn răng chịu đau, lấy khẩu B40 của một chiến sĩ mới hy sinh bắn liền 4 phát vào một ổ đại liên bắt nó câm họng. Các mũi khác tiến công thuận lợi, tiếp tục đánh phá các mục tiêu còn lại.
Lúc rời trận địa, anh cố chạy xuống chân đồi thì gục ngã. Chiến sĩ Nguyễn Tất Giáp giấu anh vào một hốc đá cạnh khe suối cạn. Khoảng 6 giờ tối hôm sau, nghe có tiếng người đi lại, cứ tưởng là đơn vị đến tìm, Giáp vội vàng ra đón. Nào ngờ đó là quân ngụy. Hai bên nổ súng hồi lâu. Đợi mãi không thấy Giáp quay trở lại, anh cho rằng Giáp đã hy sinh, nên anh quyết định tìm về đơn vị. Suốt 6 ngày bò lết, không biết đã mấy lần ngất xỉu. Đói thì ăn lá rừng, khát thì uống nước suối. Các vết thương trên người anh bốc mùi hôi thối. Sang ngày thứ bảy, anh lết được đến một con suối gần trạm giao liên huyện Phong Điền thì gặp một nữ chiến sĩ đang giặt giũ. Thoáng thấy bóng anh, cô gái ù té chạy, giọng thất thanh: “Quỷ! Eo ơi con quỷ!”. Lập tức một anh chiến sĩ lăm lăm khẩu súng AK chĩa thẳng vào người anh. Anh dồn hết sức lực còn lại hét thật to “K10 đây! Đừng bắn!”, rồi ngã gục.
Trạm giao liên Phong Điền chuyển gấp anh lên Bệnh xá 32. Cấp cứu xong, bệnh xá lại chuyển ngay anh lên Bệnh viện 88 đặt trên đất bạn Lào. Do vết thương quá nặng anh phải điều trị trong 7 tháng. Vì hoàn cảnh chiến tranh, anh và đơn vị không có bất cứ thông tin nào qua lại.
Chỉ một tuần sau ngày ra viện, anh đã bắt tay vào nhiệm vụ. Ngày 14.4.1970, anh tham gia trận đánh Tân Điền 2. Tháng 9.1970, anh tham gia trận đánh phá hủy cầu Bốn Thước và cầu Thượng Xá. Sang năm 1971, anh tiếp tục tham gia hàng chục trận đánh, tiêu biểu là trận tiêu diệt Chiến đoàn biệt động ngụy ở Đông Đường (thuộc huyện Hải Lăng) và 2 trận đánh đồi 15 Hải Phú trong cuộc hành quân Lam Sơn 719.
Cho đến ngày 20.3.1972, một trận chiến đấu có ý nghĩa quan trọng là trận đánh chi khu Mai Lĩnh mở đầu cho chiến dịch giải phóng một nửa tỉnh Quảng Trị của ta. Chi khu Mai Lĩnh có vị trí đặc biệt quan trọng. Để bảo vệ căn cứ, địch dựng lên 15 hàng rào dây thép gai. Trên tường bao lại có hàng rào mắt cáo. Xung quanh căn cứ, chúng bố trí cứ 25 m lại có ngọn đèn cao áp 500W sáng trưng, nhìn rõ từng con chuột chạy qua.
Theo kế hoạch, 5 mũi ém từng vị trí. Mũi của anh mật tập vào trung tâm sở chỉ huy, thực hiện chiến thuật “nở hoa trong lòng địch”. Bất ngờ mũi hướng tây bị lộ, địch bắn trả quyết liệt. Nhưng các mũi tiến công của ta đã hành động rất kiên quyết và hiệu quả. Tên thiếu tá chỉ huy trưởng hoảng hốt chạy ra ngoài rơi xuống giếng. Nhận được tin Mai Lĩnh có nguy cơ bị chiếm, theo lệnh quan thầy Mỹ, địch dùng pháo bắn hủy diệt bộ đội ta.
Từ trung tâm căn cứ, các anh băng qua lửa đạn, chạy ra ngoài. Đến điểm hẹn, bỗng anh thấy đầu đau dữ dội. Chỉ kịp nhận ra mình bị thương, mặt mũi anh tối sầm, mê man bất tỉnh. Anh được đồng đội đưa vào trạm phẫu thuật tiền phương cấp cứu rồi được chuyển lên Trạm xá 33.
Mấy ngày sau đó, đồng chí Kiên, Đại đội trưởng, Phó Bí thư Chi bộ C24 và đồng chí Đẩu, Chính trị viên Tiểu đoàn 10 đến công bố quyết định kết nạp anh vào Đảng; đồng thời giao quyết định của Bộ Tư lệnh Mặt trận bổ nhiệm anh làm chức vụ Đại đội phó.
Sức khỏe dần dần bình phục, anh Trung được tăng cường làm công tác xây dựng lực lượng cho các xã ven đô. Đầu năm 1973, trên cương vị Đại đội trưởng, anh chỉ huy đơn vị cắm cờ mở rộng và giữ vững vùng giải phóng. Khi địch trắng trợn vi phạm Hiệp định Paris, anh cùng đồng chí Thư, Phó Bí thư Huyện ủy Hải Lăng và đồng chí Lộc, Tiểu đoàn trưởng D14 vào tận sào huyệt của chúng vừa đấu tranh bằng lý lẽ, vừa sẵn sàng hành động bằng sức mạnh quân sự của quân Giải phóng, buộc tên đại úy chỉ huy phải chấp nhận bảo đảm an toàn cho 517 đồng bào và chiến sĩ ta thoát khỏi vòng vây nguy hiểm.
Sau sự kiện này, anh Trung được ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn Binh chủng. Đầu tháng 4.1973, anh được tranh thủ 7 ngày về thăm quê hương, gia đình, bè bạn. Nào ngờ một tình huống hy hữu đã xảy ra. Anh Trung về hôm trước thì hôm sau Xã đội Hùng Thắng chuyển đến gia đình giấy báo tử của anh. Cả làng, cả họ không khỏi ngạc nhiên. Sau khi đọc tờ báo tử, ghi rõ ngày 24.7.1969 là ngày hy sinh của mình thì anh đã rõ đầu đuôi câu chuyện.
Sau trận đánh ở Cốc Ba Sai, đơn vị cử người đi tìm kiếm anh không kết quả, đành báo cáo lên Tỉnh đội làm thủ tục báo tử. Sau khi anh về, một phần do chỉ huy thay đổi, một phần do sự việc đã lâu và nhất là do mải mê trận mạc nên chẳng ai nhớ đến chuyện báo cáo lại trường hợp của anh. Do đó đến hôm nay, chính tay anh được đón nhận tờ báo tử của mình.
LÊ ĐÌNH VƯỢNG