Đối với báo chí, chúng tuyên truyền, cổ suý cho đòi tư nhân hóa các cơ quan báo chí; hoạt động báo chí không cần tôn chỉ mục đích rõ ràng...
Báo chí tỉnh nhà những năm qua đã từng bước đổi mới, phát triển theo định hướng lành mạnh. Trong ảnh: Các đại biểu thăm các gian trưng bày báo xuân tại Hội báo Xuân Mậu Tuất 2018 do Hội Nhà báo tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức
Trong cuộc đấu tranh bảo vệ những giá trị tư tưởng, những di sản văn hóa vô giá của quốc gia dân tộc, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và nhân dân ta, các thế lực phản động luôn nuôi dưỡng âm mưu nham hiểm và sẵn sàng hành động để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với báo chí và văn học nghệ thuật (VHNT). Có thể nhận diện bộ mặt thật của chúng như sau:
Đối với báo chí, chúng tuyên truyền, cổ suý cho đòi tư nhân hóa các cơ quan báo chí; hoạt động báo chí không cần tôn chỉ mục đích rõ ràng; thương mại hóa các hoạt động báo chí, xa rời và vô trách nhiệm với việc định hướng dư luận xã hội theo quan điểm và đường lối của Đảng. Từ đó, góp phần tạo ra sự hỗn loạn về tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân.
Gần đây, trong dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, trên một số trang mạng nước ngoài đã xuất hiện nhiều bài viết phê phán Việt Nam không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, công kích các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam điều tra, xét xử các tội phạm sử dụng internet để chống Đảng và Nhà nước. Chúng dẫn dắt Công ước quốc tế về quyền con người để công kích Đảng và Nhà nước, nhưng lại làm ngơ Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đều được quy định rõ ràng là những quyền này không phải là tuyệt đối mà là quyền bị hạn chế.
Đặc biệt, cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” đã được bí mật thành lập tại TP Hồ Chí Minh ngày 4.7.2014 trên cơ sở Câu lạc bộ Nhà báo tự do của blogger “Điếu cày” tức Nguyễn Văn Hải. Đây là tổ chức báo chí hoạt động ngấm ngầm chống phá các quan điểm về báo chí và tuyên truyền của Đảng. Từ sau khi thành lập, câu lạc bộ này có các hoạt động chống phá cần lưu ý như tham dự Hội thảo “Truyền thông phi nhà nước” do Đại sứ quán Úc tổ chức tại Hà Nội; ra tuyên bố số 2 ủng hộ phong trào “Tôi muốn biết”; ra tuyên bố về quyền tự ứng cử của công dân và sau đó có 3 thành viên tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khoá 14, tất nhiên không trúng cử.
Đối với VHNT, chúng đòi văn nghệ độc lập với chính trị. Văn nghệ chỉ mang nội dung thuần túy, không phản ánh tư tưởng và quan điểm chính trị; các văn nghệ sĩ có quyền sáng tác theo các quan điểm cá nhân về các vấn đề của đời sống xung quanh trên cơ sở lập trường tư tưởng khác nhau và hoàn toàn ngẫu hứng, tùy thích theo cảm xúc và sáng tạo cá nhân. Có thể viện dẫn điều này bằng việc nói về cái gọi là “Văn đoàn độc lập Việt Nam”. Trong “Tuyên bố vận động”, tổ chức này đã bộc lộ rõ mục đích chính là đối lập với Hội Nhà văn Việt Nam, thoát ly khỏi sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của chính quyền. Hai từ “độc lập” chính là nhằm mục đích đó. Quan điểm sáng tác của “Văn đoàn độc lập Việt Nam” là tập hợp các nhà văn phủ nhận sạch trơn những gì ông cha ta và chính họ đã góp phần làm cho nền văn hóa, VHNT nước nhà.
Báo chí và VHNT tỉnh nhà những năm qua nhìn chung đã giữ được sự bình ổn và từng bước đổi mới, phát triển theo định hướng lành mạnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã dành cho báo chí và VHNT sự quan tâm sâu sắc trong lãnh đạo và định hướng tư tưởng, trong chỉ đạo hoạt động hằng năm, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, kỹ thuật và đặc biệt là từng bước quan tâm cải thiện đời sống cho các nhà báo, các văn nghệ sĩ. Các cơ quan báo chí và Hội VHNT tỉnh đã có sự cố gắng rất lớn trong tổ chức, quản lý, hướng dẫn, động viên các nhà báo, các văn nghệ sĩ nêu cao trách nhiệm xã hội, vai trò và vị trí của tổ chức mình trong đời sống chính trị - xã hội. Thường xuyên bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, trong quá trình sáng tác, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, cũng đã có một số ít biểu hiện của sự lệch lạc, thiếu lành mạnh của một số bài viết, tác phẩm VHNT và đã được chấn chỉnh uốn nắn kịp thời, không để lại những hậu quả lớn, nghiêm trọng.
Thực trạng hoạt động báo chí, VHNT cả nước và những dấu hiệu thiếu lành mạnh của báo chí và VHNT tỉnh nhà mấy chục năm qua đã, đang và sẽ là những vấn đề cần được quan tâm và khắc phục dứt điểm. Thực trạng đó đã đặt ra vấn đề chúng ta phải có trách nhiệm tiếp tục khẳng định vị trí lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với báo chí và VHNT theo đúng các văn bản pháp luật hiện hành.
Để thực hiện nhiệm vụ này, cần mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao trình độ và khả năng chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng không ngừng về các quan điểm sáng tác đúng đắn cho các nhà báo và các văn nghệ sĩ. Tổ chức các buổi nói chuyện thời sự chuyên đề về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại ở quốc tế và trong nước, trong tỉnh. Trong đó chú ý phân tích, nhận diện và định hướng các quan điểm cơ bản về các vấn đề trên theo đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xác lập và thực hiện chế độ nhuận bút, thù lao công việc hợp lý cho mỗi sản phẩm báo chí và tác phẩm, công trình VHNT. Từ đó góp phần ổn định đời sống vật chất, động viên tinh thần và tư tưởng cho nhà báo, văn nghệ sĩ để họ yêu nghề hơn và có thể sống bằng nghề viết. Không ngừng đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng và kỹ thuật cho các cơ quan báo chí và các hội, chi hội VHNT giúp các nhà báo, văn nghệ sĩ thêm thuận lợi. Tạo khung pháp lý cơ bản và cần thiết cho việc duy trì hoạt động sáng tạo vừa đủ bề rộng, chiều sâu, bảo đảm sự khác biệt của tự do sáng tác với sáng tác tự do (điều được cho là rất nhạy cảm với tư duy sáng tạo báo chí và đặc biệt là VHNT). Lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của mỗi cơ quan báo chí và quản lý, điều hành các hoạt động sáng tạo VHNT có đủ tầm, đủ tâm.
Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình, kết quả, xác định rõ nguyên nhân, ưu điểm, khuyết điểm của cá nhân, tập thể, đồng thời xác định phương hướng và giải pháp cho từng thời kỳ hoạt động nhằm tạo hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp báo chí và VHNT của từng địa phương. Duy trì chế độ khen thưởng kịp thời những tác phẩm báo chí và tác phẩm, công trình VHNT có giá trị. Uốn nắn, phê bình, nhắc nhở và kỷ luật những cá nhân, tập thể nhà báo, văn nghệ sĩ có biểu hiện tư tưởng lệch lạc, xa rời định hướng sáng tác của Đảng, Nhà nước hoặc có những tác phẩm nội dung tư tưởng không rõ ràng.
TRẦN MINH - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh