Trong tiến trình đổi mới những năm qua cho thấy, thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển sẽ tạo điều kiện giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện xe máy và xe ô tô Honda của Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách).
Ảnh: Thành Chung
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nền kinh tế, để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã và đang nghiên cứu, xem xét những vấn đề đặt ra nhằm hoàn thiện hơn thể chế KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Trong đó, vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, vai trò của kinh tế tư nhân sẽ là những trụ cột tạo nên sức mạnh kinh tế cho quốc gia. Nhận diện và chấn chỉnh các biểu hiện chệch hướng trong quá trình xây dựng KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là vấn đề thường xuyên, không thể xem nhẹ.
Thời gian qua, các đối tượng phản động phủ định và công kích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là định hướng XHCN với những giọng điệu xuyên tạc. Họ cho rằng "KTTT và chủ nghĩa xã hội không thể hòa nhập được", là chắp vá, không tưởng. Hay như "KTTT là kinh tế tư bản chủ nghĩa, do thời cuộc và do cuộc sống bắt buộc, Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn".
Trong bài viết “Hãy sớm từ bỏ cái đuôi định hướng XHCN” trên trang Ba Sàm, Bùi Tín ra sức ca ngợi, tâng bốc cái gọi là “Thư ngỏ” ngày 9.12 với các nội dung sai trái mà bản chất là một sản phẩm của hoạt động tuyên truyền chiến tranh tâm lý, chống Việt Nam do các phần tử phản động, thù địch trong và ngoài nước soạn ra và dụ dỗ, kích động một số “cựu đảng viên” ký tên. Họ lớn tiếng hô hào cần phải từ bỏ định hướng XHCN của nền kinh tế, cho rằng không thể có KTTT định hướng XHCN, KTTT định hướng XHCN sẽ kìm hãm nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, trong nhận thức của một số cán bộ, đảng viên vẫn còn các quan niệm tuyệt đối hóa cái chung của KTTT, chưa thấy sự phụ thuộc của thể chế KTTT với chế độ chính trị. Vì thế, khi góp ý vào dự thảo các văn kiện, vẫn có người quan niệm, nên bỏ cái đuôi “định hướng XHCN” hoặc gọi chệch đi, thành “KTTT hiện đại”, “KTTT Việt Nam”…
Phát triển KTTT định hướng XHCN là định hướng phát triển phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trước hết cần khẳng định KTTT là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau. Một quốc gia dựa trên nền tảng thị trường để phát triển kinh tế có thể chưa chắc thành công, song một quốc gia không có nền KTTT chắc chắn sẽ không thể phát triển trong dài hạn.
Lịch sử kinh tế thế giới đã và đang ghi nhận sự hình thành các “mô hình” KTTT khác nhau như: mô hình KTTT tự do kiểu Mỹ và Anh, trong đó Nhà nước chủ yếu dùng các công cụ kinh tế để điều tiết nền kinh tế. Mô hình KTTT định hướng xã hội của các nước Tây Bắc Âu, nổi bật là Thụy Điển, Pháp, Đức, những nơi chính phủ điều tiết mạnh mẽ nền kinh tế, nhất là thu nhập để thực hiện các chính sách xã hội, mang lại phúc lợi xã hội khá lớn cho các tầng lớp nhân dân. Người Trung Quốc tự gọi mô hình kinh tế của mình là “KTTT XHCN Trung Quốc”...
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 30 năm qua, nhận thức về KTTT ở nước ta đã có chuyển biến rõ rệt. Đa số đã thống nhất rằng sản xuất hàng hóa, KTTT là bước phát triển cao của nền sản xuất của xã hội loài người. Sản xuất hàng hóa ra đời trong lòng chế độ phong kiến, phát triển cao trong xã hội tư bản, tồn tại trong các chế độ xã hội khác nhau. Nhờ sản xuất hàng hóa và KTTT mà nền kinh tế thế giới đã phát triển vượt bậc trong mấy thế kỷ qua.
KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và đang trong quá trình hoàn thiện, đổi mới và sáng tạo không ngừng trong nhận thức, tư duy lý luận và thực tiễn. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI tiếp tục kế thừa, làm rõ và thể hiện bước phát triển mới trên nhiều luận điểm quan trọng, trong đó có những luận điểm lần đầu tiên được đề cập. Thứ nhất, nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT. Nền kinh tế nước ta đang từng bước được công nhận là nền KTTT và đến năm 2018, sẽ được các thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công nhận là nền KTTT đầy đủ.
Thứ hai, nền KTTT định hướng XHCN của Việt Nam là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế. Tính hiện đại và hội nhập của nền KTTT định hướng XHCN là sự khẳng định việc tuân thủ các chuẩn mực chung của thế giới để phát triển, thực hiện tự do hóa trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, dịch vụ, lao động kỹ năng... và quan trọng hơn, là sự tuân thủ các cam kết quốc tế đã ký, nỗ lực cải cách thể chế kinh tế bên trong, đáp ứng các tiêu chí để được công nhận là nền KTTT đầy đủ.
Thứ ba, thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển; là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Điều kiện cơ bản để huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển là bảo đảm tự do kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh; thiết lập và hoàn thiện cơ chế thị trường lành mạnh, minh bạch; phát triển đầy đủ, đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường.
Thứ tư, khác với giai đoạn trước, từ chỗ coi “kinh tế tư nhân là một trong các động lực của nền kinh tế”, đến Đại hội XII, Đảng ta khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát hơn, coi “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế”. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cũng chính là tạo điều kiện để giải phóng các nguồn lực phát triển trong xã hội, để nền KTTT phát huy tối đa các tiềm năng to lớn của nó.
Thứ năm, các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhưng phải phù hợp với cơ chế thị trường.
Ở trình độ phát triển còn chưa cao như nền kinh tế nước ta, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước sử dụng các nguồn lực của mình, cùng các công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong điều kiện hiện nay, việc phân bổ các nguồn lực của Nhà nước không thể theo ý muốn chủ quan, bất chấp quy hoạch và kế hoạch phát triển, mà phải theo các tín hiệu tích cực của thị trường, bảo đảm minh bạch và hiệu quả.
TS PHẠM MINH ĐỨC Trưởng Khoa Lý luận Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh