Với nhân cách và đức nghiệp của mình, Phạm Đình Hổ xứng danh là một trong những công thần tiêu biểu của triều Nguyễn.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 6, mặt khắc 12, 13 ghi việc vua Minh Mạng cho gọi Phạm Đình Hổ đến yết kiến nhưng lý do bị bệnh, ông đã không đến. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Phạm Đình Hổ có tên tự là Bỉnh Trực, người làng Đan Loan, huyện Đường An, nay thuộc xã Nhân Quyền (Bình Giang). Cha của ông là Phạm Giáp, thi đỗ Hương cống đời Lê Cảnh Hưng, làm quan đến chức Thái bộc tự khanh. Dưới triều Nguyễn, Phạm Đình Hổ được đánh giá là một vị quan tài giỏi, chính trực. Qua di sản Mộc bản triều Nguyễn, độc giả sẽ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cũng như con người ông.
Được vua Minh Mạng quý trọng
Phạm Đình Hổ thuở nhỏ ham học, nhưng thi cử lận đận, nhiều lần không đỗ. Ông cố gắng đọc sách, thuộc cả điển cố, mọi người đều biết tiếng và suy tôn. Ngay bản thân Minh Mạng, một vị vua uyên thâm nho học cũng rất thán phục tài năng của ông. Tháng 12, năm Canh Thìn (1820), vua Minh Mạng thực hiện chuyến ngự giá ra Bắc. Trong chuyến đi này, vị vua thứ 2 của triều Nguyễn đã cho gọi ông vào yết kiến. Lấy lý do bị bệnh, Phạm Đình Hổ đã từ chối. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 6, mặt khắc 12, 13 ghi về việc này như sau: “Gọi bọn Tiến sĩ triều Lê là Nguyễn Đăng Sở và Đỗ Lệnh Thiện, Sinh đồ ở Bắc Thành là Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú, sĩ nhân là Ngô Du, Đoàn Nguyên, Đỗ Huy Ngạc, Nguyễn Minh Khiêm, do bộ dẫn vào yết kiến. Lệnh Thiện và Đình Hổ vì ốm từ không đến. Đăng Sở đến Kinh, được bổ Hàn lâm viện Tu soạn. Bọn Huy Chú được bổ các chức Biên tu, Kiểm thảo, theo bậc khác nhau”.
Một năm sau, tức năm Tân Tỵ (1821), Phạm Đình Hổ được sung chức Hành tẩu ở Hàn Lâm viện. Đến năm Bính Tuất (1826), trong một lần hội triều, vua Minh Mạng có cuộc đối thoại với Tham tri bộ Lễ Phan Huy Thực, trong đó có đoạn nhắc đến Phạm Đình Hổ. Mộc bản sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 4, mặt khắc 8, 9 ghi lại rằng: Vua bảo Phan Huy Thực, Tham tri bộ Lễ rằng: “Trẫm sớm tối lấy việc cầu hiền làm cần, mà đến nay chưa thấy người hiền tài nào, khanh sinh trưởng ở Bắc Hà, có biết ai là người học rộng, hạnh kiểm tốt như Phạm Thích thì đề cử để trẫm dùng”. Huy Thực thưa: “Các vị lão sư túc nho ở Bắc Hà, hầu như đã hết cả, còn như các vị tân tiến, tiểu thần ít khi được tiếp nên không biết ai”. Vua bảo: “Trước trẫm ra Bắc tuần nghe tiếng Phạm Đình Hổ, triệu vào yết kiến ở chỗ hành tại, nhưng lại lấy cớ có bệnh khước từ, thì người ấy thế nào”. Huy Thực thưa: “Đình Hổ là người có văn học, tính cương trực mà có tiết nghĩa. Ngụy tây mấy lần trưng dụng mà không chịu thần phục, đó là chỉ biết đại lược thế thôi”. Vua bảo: “Tiết tháo hạnh kiểm người ấy cũng khá nên muốn triệu đến để dùng, cũng như ý cổ nhân đem ngàn vàng mua bộ xương con ngựa…”.
Sau đó, vua Minh Mạng đã sắc xuống cho quan Bắc thành tuyên chỉ triệu vào kinh, cấp cho 20 lạng bạc làm lệ phí đi đường. Khi Phạm Đình Hổ tới yết kiến tại điện Cần Chính, vua thong dong hỏi Phạm Đình Hổ: “Ngươi bao nhiêu tuổi”. Hổ thưa rằng: “Thần gần sáu chục mà sức vóc đã kém, mới nghe có lệnh triều đình sợ hãi khôn xiết, chỉ sợ không đủ sức làm việc”. Vua hỏi: “Thấy ngươi là danh sĩ cho nên triệu đến để phòng lúc hỏi han thôi !”. Bèn cho làm Hàn lâm viện Biên tu, rồi thăng Thừa chỉ và ban cho mũ áo đại triều. Vua bảo bộ Lễ rằng: “Hổ có tính cương trực, không xu nịnh kẻ quyền quý, nên đặc biệt hậu đãi để khuyên người khác sau này”.
Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 42, mặt khắc 25 ghi việc vua Minh Mạng thăng chức cho Phạm Đình Hổ, nhưng ông dâng sớ từ chối. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Không ham danh lợi
Trong quá trình làm quan, Phạm Đình Hổ rất được vua Minh Mạng yêu mến, chỉ trong vòng 1 năm từ giữ chức Biên tu Hàn Lâm viện, ông được thăng lên chức Thừa chỉ Hàn Lâm viện. Đến cuối năm, Phạm Đình Hổ được vua Minh Mạng cho thăng đến chức Thự Tế tửu Quốc Tử Giám, nhưng ông đã dâng sớ từ chối, không nhận. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 42, mặt khắc 25 ghi việc này rằng: “Lấy Thiêm sự bộ Binh là Trương Minh Giảng làm thự Thị lang Binh bộ, Thiêm sự Hình bộ là Thân Văn Duy làm thự Thị lang Hình bộ, Hàn lâm viện Thừa chỉ là Phạm Đình Hổ làm Thự Tế tửu Quốc Tử giám. Hổ dâng sớ từ”.
Tuy nhiên, sớ của ông đã không được vua chấp thuận, ông miễn cương giữ chức Thự Tế tửu Quốc Tử giám chưa đầy được năm thì tháng 7, năm Đinh Hợi (1827), Phạm Đình Hổ cáo bệnh xin về. Biết tin, vua Minh Mạng sai Văn thư phòng tuyên lời hỏi thăm, ban cho sâm quế. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm (tháng 8, năm Kỷ Sửu - 1829) về quê nghỉ ngơi, mãi không thấy Phạm Đình Hổ quay lại giữ chức, vua Minh Mạng đã dụ bảo bộ Lễ về chuyện của ông. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 61, mặt khắc 18 ghi rằng: “Phạm Đình Hổ trước vì ốm cáo về, lâu không đến. Vua từng bảo Lễ bộ rằng: Trẫm ưu đãi Đình Hổ không phải là không hậu, thế mà mới nhận chức thì tiếp vì ốm mà về. Há là vì tuổi già yếu mà nguội lạnh với công danh, không có ý làm quan mà thế chăng? Sai tư hỏi. Hổ nghe có mệnh cố gượng lên đường. Khi đến, vua gọi vào yết kiến, an ủi, hỏi han, cho 100 quan tiền và cho ở kinh điều dưỡng hằng tuần rồi mới cung chức”.
Năm Canh Dần (1830), ông quay lại làm việc tại Quốc Tử giám, do tính cách chính trực nên ông không hợp với hai Tư nghiệp là Phạm Đình Thuân và Nguyễn Huy Hựu. Ông đã thẳng thắn nhận lỗi với vua Minh Mạng về chuyện này. Vua xuống dụ rằng: “Phạm Đình Hổ xuất thân học trò, trẫm thấy văn học tài giỏi, cho nên cất nhắc vượt bậc… Vả lại lời Hổ xin cũng là thành khẩn và y vốn là người ngay thẳng, nếu cho làm việc quan thì khó có thành hiệu. Vậy cho thôi việc giám vẫn lui về nguyên hàm Hàn lâm viện Thừa chỉ giáng hai cấp, bọn Thuân và Hựu cũng đều giáng hai cấp”.
Đến năm Tân Mão (1831), ông được giữ chức Thị giảng học sĩ. Một năm sau (1832), ông lấy cớ bị bệnh, xin về. Cũng trong năm đó, Phạm Đình Hổ bị bệnh, mất, thọ 77 tuổi. Nghe tin vua Minh Mạng đã rất thương tiếc và ban cấp tiền tuất 100 quan, lụa 5 tấm, vải 10 tấm.
Có thể nói, với nhân cách và đức nghiệp của mình, Phạm Đình Hổ xứng danh là một trong những công thần tiêu biểu của triều Nguyễn. Ghi nhận tài đức của Phạm Đình Hổ, tên ông đã được đặt tên cho đường phố không chỉ ở quê hương Hải Dương mà còn ở nhiều tỉnh thành khác như Hà Nội, Vinh, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...
THƠM QUANG