Cách đây 48 năm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hưng Yên xuống hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phong (huyện Yên Mỹ) viết bài: Bài ca năm tấn. Trong bài có câu: "Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ. Ruộng đất Hưng Yên không muốn nghỉ lấy một ngày". Đồng chí Tuấn Doanh bấy giờ là Trưởng Ban Tuyên huấn tỉnh Hưng Yên nói: "Anh viết như thế chưa chuẩn, vì tỉnh Hưng Yên lúc này chưa đạt được 5 tấn trên 1 ha, cả miền Bắc chỉ có Thái Bình đạt 5 tấn thôi, nên người ta gọi Thái Bình là tỉnh năm tấn, còn Hưng Yên chưa đạt năm tấn mà mình viết vậy là không thực tế”. Nguyễn Văn Tý từ tốn hỏi: "Thưa anh, theo anh thì nên sửa thế nào?". Ông Tuấn Doanh (trầm ngâm một lát) rồi gật gật nói tiếp: “Chỗ "ruộng đất Hưng Yên" thay bằng chữ "quê ta", mà quê ta ở đâu hát cũng được không riêng gì Hưng Yên hay Thái Bình". Nguyễn Văn Tý hát lại (bằng cách gõ gõ xuống bàn) hát nhỏ cho đủ mình nghe, rồi thốt lên: "A! Được đấy anh?".
Vậy là "Bài ca năm tấn" gần 50 năm vẫn được các ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư ca "quê ta" mãi mãi âm vang.
Sau đó ít năm, Nguyễn Văn Tý trở vào Nghệ Tĩnh. Ông viết “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” trong ca từ có câu "Nghe xuân sang con chim đâu bay đến đậu cành dâu chín mọng sườn đồi". Lúc đầu ông viết: "cành sim chín mọng sườn đồi", nhưng có một cán bộ tỉnh nói với nhạc sĩ: "Câu anh viết "...cành sim chín mọng sườn đồi" thì hay, nhưng lúc này chúng ta đang có chủ trương tiêu diệt cây sim già nua để trồng cỏ nuôi bò lấy sữa. Anh viết như vậy thì...
Đêm đó, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về trằn trọc không ngủ được, nhạc sĩ nhớ lại những kỷ niệm xa xôi từ thuở học trò, học trò hái sim, ăn sim... Ông tiếc hoài, rồi vì một chủ trương trồng dâu để cung cấp cho nhà máy rượu của tỉnh mà ông đổi “cành sim” thành “cành dâu”.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)