Nhà văn Nguyễn Tuân với người con gái Bần Yên Nhân

18/10/2020 10:52

Phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, nơi nơi sôi sục chuẩn bị khởi nghĩa nhưng nhà văn Nguyễn Tuân vẫn chưa hay biết gì.

Phát xít Nhật đảo chính hất cẳng thực dân Pháp, nơi nơi sôi sục chuẩn bị khởi nghĩa nhưng nhà văn Nguyễn Tuân vẫn chưa hay biết gì. Chiều 9.3.1945, nhà văn nằm ở nhà cô Chu, chủ nhà hát. Cô Chu người Hưng Yên ra Hà Nội lập nghiệp. Sáng hôm sau, khi ngớt tiếng súng, nhà văn khăn đóng áo the về nhà ở phố Cầu Mới. Đêm nghe tiếng súng cả gia đình nhà văn rất lo. Khi thấy Nguyễn Tuân về mọi người vui mừng muốn giữ ở nhà lâu lâu, chờ cho tình hình yên ổn nhưng chỉ được mấy hôm, nhà văn lại lặng lẽ xuống phố…

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, khi Việt Minh chiếm Phủ Thống Sứ (Bắc Bộ Phủ), Nguyễn Tuân thấy Việt Minh hạ cờ "quẻ ly" xuống, treo cờ đỏ sao vàng lên. Nhà văn nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự, Nguyễn Tuân vào hiệu cắt tóc, cạo râu, sau đó cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, áo sơ mi nhập vào dòng người chào mừng Việt Minh.

Khi trở về nhà hát, cô Chu nói: "Anh Tuân làm cách mạng đấy à?". Nguyễn Tuân theo Việt Minh không đơn giản như thế...

Mối tình của nhà văn với cô Chu không dẫn đến hôn nhân vì nhiều nguyên do, việc chia tay với người tình không đơn giản chút nào. "Phải viết một cái gì đó để trả món nợ tơ duyên này", Nguyễn Tuân nghĩ. Nhà văn ngồi trên chiếc võng đay ở nhà mẹ cô Chu (phố Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên). Ngày ngày cứ đến bữa, mẹ cô Chu mang cơm cho ăn. Nhà văn mải miết viết hết trang này sang trang khác. Sau một tuần nhà văn viết xong tác phẩm Chùa Đàn phản ánh mối tình của nhà văn với cô Chu.

Sau này ai nấy đều có gia đình riêng. Ngày cụ thân sinh Nguyễn Tuân mất, có nhiều bạn hữu đi đưa đám. Bà Chu bảo: "Ông cho tôi cái khăn ngang". Câu nói của bà Chu làm ông cảm động. Khi nhà văn đã lên chiến khu Việt Bắc một thời gian, không biết làm cách nào bà Chu tìm ra địa chỉ, gửi người mang đến cho Nguyễn Tuân chiếc khăn tay thêu bông hoa hồng và mấy chỉ vàng. Nguyễn Tuân nộp vàng vào công quỹ, khăn tay giữ bên mình làm kỷ niệm.

LÊ HỒNG BẢO UYÊN(st)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà văn Nguyễn Tuân với người con gái Bần Yên Nhân