Nhà văn Mạnh Phú Tư (1913 - 1959), tên thật là Phạm Văn Thứ, quê ở Thanh Hà.
Ông để lại ở phòng lưu trữ Hội Nhà văn Việt Nam một quyển "Lý lịch đảng viên", làm trong đợt chỉnh huấn tháng 10.1953. Có thể coi đây là một bức chân dung tự họa chân xác và xúc động về ông.
Nói về nghề nghiệp, ông ghi: "Trước viết báo, viết tiểu thuyết, dạy học tư, hiện nay công tác văn nghệ và dạy học trò ở trường cấp 2 và cấp 3". Như vậy, Mạnh Phú Tư có đủ tư cách đại diện cho "nhà văn, nhà báo, nhà giáo" của một thời. Cho nên, cái nghèo theo ông từ tấm bé: "Khi mới đẻ ra, tôi đã bị mồ côi cha rồi, vì cha tôi chết từ khi mẹ tôi có thai tôi được bốn tháng. Lúc đẻ ra tôi, mẹ tôi sống cùng với bà nội tôi. Tôi lên 5 thì mẹ tôi lại đi lấy chồng. Kể từ ngày đó, tôi không có một gia đình nhất định. Tôi sống lang thang, nay ở nhờ ông ngoại, mai ở nhờ ông chú, ông cậu hay bà cô. Mỗi nơi chỉ sống ghé trong một thời gian".
Mạnh Phú Tư là nhà văn có tuổi thơ "sống nhờ" cay cực. "Khi còn nhỏ đi học, tôi thường gặp phải những ông giáo nghiêm khắc nên tôi cũng không tha thiết với việc học cho lắm". Có thể nói, ông lấy tự học và học ở trường đời là chính. Vậy mà, văn phẩm ông đã đạt tới độ cao và chiều sâu rộng. Cao ở giải nhất tiểu thuyết mà Tự lực văn đoàn đã trao cho cuốn "Làm lẽ" năm 1939. Tiếp đó là các tiểu thuyết "Gây dựng" (năm 1941), "Nhạt tình" (năm 1942), "Sống nhờ" (năm 1942), "Một thiếu niên" (năm 1942), "Lo toan" (năm 1943); tập truyện ngắn "Người vợ già" (năm 1942) và tập ký "Tôi là cậu giáo" (năm 1943). Tác phẩm của ông bao quát nhiều vẻ của xã hội với một cái nhìn sâu sắc và nhân hậu, nhiều cuốn được tái bản, đến nay còn đưa vào sách giáo khoa.
Trong lý lịch, ông cũng tự nhận rất "tích cực công tác". "Năm 1944, tôi được một số cán bộ Việt Minh liên lạc, tuyên truyền, tôi nhận tham gia mặt trận hoạt động trong Nông dân cứu quốc Hội… Năm 1945, tôi tổ chức tổng khởi nghĩa ở xã, làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng. Sau đó lên huyện làm ủy viên tuyên truyền, ủy viên tư pháp rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện. Được ít lâu, lên Hà Nội, làm việc tại Ty Liên kiểm với ông Hoàng Hữu Nam, rồi viết báo Độc Lập. Kháng chiến, tôi về quê làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến. Có điện gọi lên Vĩnh Yên song bị nghẽn, tôi vào Thanh Hóa. Vào đấy là Ty trưởng Ty Thông tin và chủ bút báo chống giặc do ông Đặng Thai Mai giới thiệu" - ông ghi trong lý lịch. Do gắn chặt với đời sống kháng chiến nên ông có nhiều đóng góp cho văn học kháng chiến với các tác phẩm như: Bút ký "Rãnh cày nổi dậy" (năm 1946), các truyện ngắn "Nhẹ bước", "Người chiến sĩ cụt tay" "Anh hồi sinh", "Quyết chiến" (năm 1947)…
Bức chân dung văn học tự họa này in dấu một tài năng, một đức độ và một tấm lòng thiết tha với sự nghiệp cách mạng, công cuộc kháng chiến, với quê hương, gia đình, đồng thời cũng in đậm dấu ấn một thời kỳ văn học đầy kỷ niệm khó quên.
LÊ HỒNG BẢO UYÊN (st)