Nhà thơ Vũ Quần Phương kể lại: Báo Văn nghệ số 37 ra ngày 11-9-1999 đăng bài Hãy trả lại một chữ cho nhà thơ Xuân Diệu của Hồng Diệu. Trong bài báo, tác giả Hồng Diệu đã cùng với các em học sinh phát hiện ra một chữ vô lý trong một câu ở bài Hư vô (tập Gửi hương cho gió) của Xuân Diệu. Dẫn cả đoạn, theo trang 117 tuyển tập Xuân Diệu, Nhà xuất bản Văn học 1983:
Nhưng mà tôi sẽ chết, than ôi
Tôi kẻ đưa răng bấu mặt trời
Kẻ đựng trái tim trìu máu đất
Hai tay chín móng bám vào đời
Nội dung đoạn thơ ai cũng rõ: lòng yêu đời nồng cháy của Xuân Diệu; ông bấu, ông đựng, ông bám vào trời, đất, cuộc đời bằng các "công cụ" của chính thân xác ông: răng (bấu), tim (đựng), móng tay (bám). Các động từ mạnh nói hết được cái toàn thân bám đời của Xuân Diệu. Chỗ khó hiểu là ở câu cuối "hai tay chín móng"...
Hai tay thì phải mười móng chứ. Mà viết hai tay mười móng bám vào đời thì có lý nhưng thừa và cũng buồn cười, vả lại có khi mười móng mà chỉ 8-9 móng bám được thì sao. Cần gì phải đếm thế.
Hai tay chín móng... Quả là vô lý. Phát hiện của các em học sinh và bài báo của bạn Hồng Diệu là cần thiết. Để xử lý cái vô lý ấy tác giả Hồng Diệu đề nghị nên dựa vào bản chép tay của ông là:
Hai tay chín nóng bám vào đời
Mới đọc thấy đã ổn hơn vì nó loại được cái số đếm (chín) cực vô lý, thậm chí vô duyên của câu thơ.
Nhưng tay mà chín nóng thì cũng hơi... kinh. Tay nóng, tay ấm. Hai tay ấm nóng thì hiểu được. Chứ tay mà chín lại nóng hôi hổi có vẻ tay... luộc quá. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng viết thế thì chả thấy chất thơ ở đâu. Cả cảm, lẫn nghĩ, cả sức gợi lẫn ý tứ, không ai lại nỡ viết thế. Thà cứ giản dị Hai tay ấm nóng bám vào đời còn hơn. Nhưng ý thơ thì cũng hơi bẹt. Cái tính từ ấm nóng hay, kỳ khu hơn chín nóng chỉ bổ nghĩa cho bàn tay, cho các công cụ của chủ thể. Ở đây có ba công cụ là răng, tim và móng (của hai bàn tay), trong đó hai công cụ trên răng, tim tác giả không kèm tính từ (thí dụ răng sắc nhọn, tim mông mênh (!)) thì việc gì đến tay lại bày ra sự chín nóng, tái sốt làm gì.
Cho nên tuy tác giả Hồng Diệu đầy tự tin mà nói rằng ông trả chữ cho Xuân Diệu nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương lại không tin cái chữ ông trả ấy là của Xuân Diệu.
Tôi không có điều kiện tra cứu nhưng cái trong thế chữ mà suy thì tôi đọc là:
Hai tay CHÍU móng bám vào đời
Chíu móng là khum các ngón tay cho chụm lại (như ở thế võ hầu quyền ấy). Các móng tay chíu lại tăng cho sức bám vào đối tượng.
Lại có thêm trong sáng ngữ pháp. Chữ móng được nhấn mạnh bằng hai động từ chíu và bám, chíu lại để bám. Chiếu lên với chữ bấu (răng bấu mặt trời) thấy hô ứng, "đã" lắm!
Còn một lý do nhỏ nữa là chữ n và chữ u khi viết thường dễ lẫn vào nhau lắm. Chíu dễ đọc thành chín lắm. Nhất là theo thói quen của cách nói câu đối số từ kiểu "chín phương trời, mười phương Phật"; một sống hai chết... Phía trước đã hai tay thì phía sau dễ chín móng lắm, động từ chíu mới bị biến thành số từ chín.
Lúc đó Xuân Diệu còn (sinh 1916, mất 12-1985) giá chỉ đến hỏi ông một câu. Bây giờ đành luận ra thôi, như các nhà nghiên cứu đọc sách chữ Nôm. Cả nhà văn Hồng Diệu và nhà thơ Vũ Quần Phương đều là luận ra, đoán thế. Các bạn cứ cân nhắc xem. Cách nào hợp lý thì chọn. Chứ để hai tay chín móng thì kỳ quá. Chuyện nhà văn, nhà phê bình văn học Hồng Diệu "đòi" trả chữ cho nhà thơ Xuân Diệu trên đây là cần thiết, nhưng phải đợi đến nhà thơ Vũ Quần Phương lý giải như trên mới sáng tỏ. Thế mới biết chuyện chữ nghĩa khó thật, các cụ ta đã nói là "Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" cơ mà.
LÊ HỒNG THIỆN