Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi với điểm 3.2/4.0 nhưng IELTS chỉ 5.0, không biết viết email, CV thì không thể kiếm việc lương cao hay ra nước ngoài làm việc.
PGS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), đưa ra ý kiến trên trong tọa đàm "Gắn kết đào tạo, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp", vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ông Tùng kể đầu năm học 2019-2020, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông phối hợp với các cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ở Thung lũng Silicon (Silicon Valley - Mỹ), những người đang làm việc ở các tập đoàn lớn như Facebook, Amazon, Apple, để tổ chức chương trình giúp sinh viên giỏi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội có thể qua Silicon Valley thực tập ít nhất 6 tháng.
Phía viện đã lọc ra được 40 em xuất sắc để các cựu sinh viên phỏng vấn nhưng chỉ 3 em khiến họ hài lòng cả về thuật toán, kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Số còn lại giỏi thuật toán thì kém tiếng Anh, được tiếng Anh thì kỹ năng mềm yếu, thậm chí không biết viết email, CV như thế nào.
"Vậy mới thấy các em thiếu rất nhiều kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế. Việc này chưa hẳn đến từ tư duy của các em mà một phần do nhà trường chưa cung cấp đủ cho sinh viên", ông Tùng nói.
Khi hỏi nhóm ở Silicon Valley về giải pháp, ông Tùng biết sinh viên Mỹ được cung cấp rất nhiều khóa học kỹ năng mà đôi khi giáo viên ở Việt Nam còn thiếu, ví dụ học về kỹ năng lãnh đạo, viết CV, email, thậm chí cả cách dùng dao dĩa trong bữa ăn, phối trang phục. Những việc này tưởng đơn giản nhưng lại rất quan trọng nếu muốn trở thành công dân toàn cầu bởi "người ngoài nhìn vào là đánh giá ngay được".
PGS Tạ Hải Tùng. Ảnh: Hùng Lê |
Đang là lãnh đạo một công ty cổ phần tự động hóa, anh Thưởng, cựu sinh viên K42 ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, luôn đau đáu về việc đào tạo nguồn nhân lực cho công ty, thậm chí thành lập đơn vị đào tạo riêng phối hợp với các đại học. Mỗi khi có đoàn thực tập đến công ty, anh đứng ra nói chuyện đầu tiên và nhận thấy sinh viên thiếu rất nhiều thứ mà nhà trường cần hỗ trợ để các em cải thiện, đặc biệt là tác phong làm việc.
Anh Thưởng nhớ lại thời gian đầu sang Nhật Bản học, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, anh bị nhắc nhở rất nhiều về tác phong. "Lúc đó, khi ở trong nhà máy, tôi đi rất lừ khừ, bị nhắc phải đi nhanh hơn, rồi đồ đạc thì để lung tung. Điều này khiến tôi bị mất điểm trong mắt nhà quản lý", anh Thưởng nói.
Những sinh viên đến công ty anh thực tập cũng mắc lỗi, ví dụ đồ đạc trong phòng và trên bàn làm việc vứt lung tung; không có kế hoạch, mục tiêu, hoạt động cụ thể khi làm việc; không có kỹ năng báo cáo, trao đổi, liên lạc. Theo anh Thưởng, đây là những kỹ năng cơ bản, nhà trường cần đưa vào chương trình đào tạo, đồng thời phối hợp với những công ty có trung tâm đào tạo để làm việc này. Mỗi tháng, mỗi kỳ, sinh viên cần được đưa đến các doanh nghiệp thực hiện những dự án cụ thể để biết cách tổ chức, triển khai từ đầu đến cuối.
Anh Tạ Sơn Tùng, người từng được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong top 30 người dưới 30 tuổi nổi bật nhất, chia sẻ công ty đang có hơn 1.100 nhân viên và mỗi tháng vẫn tuyển dụng hàng chục kỹ sư. Điều khiến anh trăn trở nhất chính là thái độ, ý thức và cách làm việc của sinh viên mới ra trường.
"Phần này trường nào cũng thiếu", anh Tùng nói và cho rằng các doanh nghiệp cần hỗ trợ nhà trường đào tạo, đồng thời thầy cô trong trường cũng nên chủ động truyền đạt ý thức, thái độ với công việc cho sinh viên. Ngoài ra, anh Tùng nhận thấy kỹ năng mềm và ngoại ngữ của sinh viên rất kém. Việc đào tạo ngoại ngữ ở các đại học Việt Nam đang "rất lôm côm".
Một cựu sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc trong Ban Quản lý chất lượng của Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng chia sẻ gặp khó khăn khi tuyển dụng kỹ sư vì các em kém tiếng Anh. "Đầu vào cơ bản của nhà máy chúng tôi là IELTS đạt 6.0. Do đó, trường cần tăng thời lượng học tiếng Anh hoặc có chương trình rèn kỹ năng giao tiếp để nâng cao kỹ năng giúp sinh viên khi ra trường có thêm cơ hội", bà nói.
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng không phải sinh viên nào cũng có điều kiện đi học thêm tiếng Anh. Việc mở các chương trình đào tạo kỹ năng trong trường rất tốn kém trong khi học phí không thể tăng thêm. Hiện sĩ số lớp học lớn khiến giảng viên không thể quan tâm hết được. Vì vậy, ông Sơn khẳng định cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề này. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ trao cho sinh viên nhiều học bổng hơn, tạo điều kiện để các em được học các kỹ năng qua bài toán thực tế.
"Một doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ đào tạo có khi thiệt thòi, bởi bỏ tiền ra cũng phải tính đến lợi ích. Nhưng nếu nhiều doanh nghiệp cùng tham gia, cuộc chơi sẽ khác hẳn, chất lượng sinh viên tốt hơn mà tất cả doanh nghiệp cùng có lợi", ông Sơn nói.
Theo VnExpress