"Nhà tôi có bình chữa cháy"

01/03/2023 11:34

Dù mới triển khai nhưng phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" ở huyện Thanh Hà đã mang lại hiệu quả bước đầu, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống cháy nổ.

Công an thị trấn Thanh Hà hướng dẫn anh Phạm Khắc Nghĩa, chủ nhà hàng lẩu nướng Minh Nghĩa cách sử dụng bình chữa cháy

"Nhà tôi có bình chữa cháy" là phong trào vừa được huyện Thanh Hà triển khai xây dựng và mang lại hiệu quả bước đầu.

2 tháng nay, bà Lê Thị Xuyên ở xóm 10, thôn Nhan Bầu (xã Thanh Hồng) cùng các thành viên trong gia đình thỉnh thoảng lại mang các bình chữa cháy xách tay ra vệ sinh và kiểm tra xem có bị hư hỏng gì không. Sau đó để lại vào vị trí đã định là những nơi có nguy cơ cháy nổ cao.

Nhà bà Xuyên mở cửa hàng bán tạp hóa 10 năm nay. Trước đây, việc phòng chống cháy nổ chưa được gia đình bà quan tâm, cả nhà mới có 1 bình chữa cháy. Từ khi địa phương phát động phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy", gia đình bà đã mua thêm 6 bình chữa cháy xách tay. "Nhà tôi buôn bán những mặt hàng có nguy cơ cháy cao, nhất là lượng lớn bánh kẹo có vỏ làm bằng ni lông, giấy. Được cán bộ công an xã hướng dẫn, gia đình tôi ai cũng biết sử dụng bình chữa cháy và yên tâm hơn nếu có sự cố bất thường", bà Xuyên chia sẻ.


Ngoài trang bị nhiều bình chữa cháy, bà Lê Thị Xuyên thường xuyên xếp lại hàng hóa cho gọn gàng đề phòng rủi ro

Cũng như gia đình bà Xuyên, hưởng ứng phong trào, hiện nay toàn bộ 74 hộ có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh của xã Thanh Hồng đều tự trang bị bình chữa cháy. "Nhà ít thì 1 bình, nhà nhiều có 10 bình. Lực lượng công an xã đã tập huấn cho người dân những kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ cơ bản nhất và cách sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ. Chúng tôi cũng tuyên truyền, vận động các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo của xã trang bị bình chữa cháy", Trung tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Công an xã Thanh Hồng thông tin.

Từ sự tích cực tuyên truyền, vận động của các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là cơ quan công an, phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" đang lan tỏa trong cộng đồng dân cư của huyện Thanh Hà. Đông đảo người dân chủ động tham gia mô hình tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy và trang bị bình chữa cháy, dụng cụ cứu nạn cần thiết. 

Theo Thiếu tá Lê Nam Long, Trưởng Công an thị trấn Thanh Hà, do địa bàn có nhiều hộ nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh nên nguy cơ xảy ra cháy nổ rất cao. Thời gian qua, chính quyền địa phương và lực lượng công an tích cực tuyên truyền, vận động giúp người dân nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ. Hiện nay, thị trấn đã thành lập được 11 tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy, với 104 hộ tham gia. Các hộ đều có bình chữa cháy và một số dụng cụ phá dỡ thiết yếu. Các tổ đang tiến hành lắp hệ thống báo cháy giữa các gia đình. Ngoài ra, hơn 300 hộ dân khác cũng tự trang bị bình chữa cháy xách tay để đề phòng rủi ro. 


Người dân thực hành sử dụng bình chữa cháy xách tay

Anh Phạm Khắc Nghĩa ở khu dân cư số 1, thị trấn Thanh Hà kinh doanh nhà hàng lẩu nướng được 2 năm. Do cơ sở kinh doanh có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nên anh đã tham gia mô hình tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Anh cũng mua thêm 5 bình chữa cháy, nâng tổng số bình hiện có là 10 bình. Các bình này chủ yếu đặt tại 3 tầng kinh doanh, nhất là khu nhà bếp.

Nhận thấy tình hình cháy nổ trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhất là khi ngày càng nhiều gia đình có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, tháng 2 vừa qua, huyện Thanh Hà đã phát động phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" trong cộng đồng. Phong trào nhằm tăng cường sức mạnh của nhân dân, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong phòng chống cháy nổ. Huyện yêu cầu các địa phương rà soát, huy động, trưng dụng, chuẩn bị các phương tiện sẵn có trong nhân dân thường dùng phục vụ sản xuất, sinh hoạt như máy bơm nước, máy rửa xe, mặt nạ phòng độc, mũ bảo hiểm, búa rìu, cát xây dựng, thang dân dụng, phao bơi... để kịp thời xử lý các sự cố phát sinh. Cơ quan chức năng vận động nhân dân bố trí nhà ở có từ 2 tầng trở lên có lối thoát nạn thứ hai tại ban công, mái tum, lối lên mái nhà, thang dây... 


Đại úy Phạm Duy Khánh, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an huyện Thanh Hà) cho biết đến ngày 24.2, toàn huyện đã thành lập được 22 tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Nhà tôi có bình chữa cháy" và thành lập tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các thôn, khu dân cư. Lực lượng công an sẽ tích cực hướng dẫn, tập huấn giúp người dân nắm chắc một số biện pháp phòng chống cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ hiệu quả, góp phần giảm thấp nhất số vụ và thiệt hại về người, tài sản do cháy nổ gây ra.

DANH TRUNG

(0) Bình luận
"Nhà tôi có bình chữa cháy"