Nhà thơ Yến Lan lấy tên người yêu làm bút danh

01/08/2021 14:25

Yến Lan là nhà thơ nổi tiếng, từng tham gia nhóm thơ Bình Định, gồm các bạn thơ cũng là bạn học ở Quy Nhơn như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, còn gọi là nhóm thơ "Bàn Thành Tứ Hữu".

Nhà thơ Yến Lan (sinh năm 1916, mất năm 1998 tại Bình Định) tên khai sinh là Lâm Thanh Lang. Trong cuốn hồi ký "Yến Lan - Nhớ mãi về anh", dày 200 trang, do Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2011 của bà Nguyễn Thị Lan, vợ nhà thơ Yến Lan có đoạn về chồng mình: "Ba năm học từ lớp 3 đến lớp 5, kỳ nghỉ hè nào tôi cũng đến anh để học thêm. Anh dạy rất nhiệt tình, giảng bài giọng rất hay, lại thấy anh ít rong chơi như các anh khác, nên tôi rất để ý. Thỉnh thoảng, tôi xem báo lại gặp tên anh. Tôi và người bạn gái bằng tuổi tên Bạch Yến đứng bên bờ Thành (Thành Đô Bàn, ở Quy Nhơn, Bình Định), thỉnh thoảng bạn lại gọi hỏi tôi những câu chuyện vu vơ. Đầu năm 1940, anh ghé lại chơi và nói anh sẽ ra dạy ở Thanh Hóa. Tết, anh về quê tôi ghé thăm rồi nhận lời yêu anh. Anh nói "Anh yêu em như mối tình đầu". Nhưng cha mẹ tôi không đồng ý, có phần cũng muốn con mình lấy chồng giàu có, sung sướng. Tôi buồn và lại bỏ nhà ra đi, vô một ngôi chùa ở thị xã Phan Thiết (Bình Thuận). Được ít lâu, cha tôi sai anh tôi tới tìm dẫn tôi về và đồng ý cho chúng tôi lo việc cưới xin. Đám cưới của chúng tôi tổ chức vào ngày 20.4.1944. Và như các bạn biết đấy, bút danh Yến Lan là một nửa tên tôi (Nguyễn Thị Lan), một nửa tên bạn tôi (Bạch Yến).

Yến Lan là nhà thơ nổi tiếng, từng tham gia nhóm thơ Bình Định, gồm các bạn thơ cũng là bạn học ở Quy Nhơn như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, còn gọi là nhóm thơ "Bàn Thành Tứ Hữu".

Nói như nhà thơ Nguyễn Bao: "Ngày 20 tuổi, Yến Lan đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào loại đặc sắc, góp phần khẳng định sự thắng lợi của thơ mới trong buổi đầu" (báo Văn nghệ số 52-1996). Hơn 40nhà thơ tiêu biểu được Hoài Thanh giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam ở thời kỳ thơ mới, trong số đó có Yến Lan. Cho tới nay người ta vẫn nhớ bài "Bến My Lăng" của ông có đoạn: "Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu/Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/Ông lái buồn để gió lén mơn râu…"

Trong tập thơ "Tôi đến tôi yêu", ông có bài "Uống rượu với bạn đồng hương", viết trong ngày sinh nhật: "Ta uống mừng tuổi ta/Bước khôn dè bước dại/Năm nhăm chẳng trối già/Một hướng đi không mỏi".

Khi cuốn hồi ký: "Yến Lan - Nhớ mãi về anh" ra đời, nhà thơ Lâm Huy Nhuận con trai nhà thơ Yến Lan, hết sức ngạc nhiên nói: "Lúc ba tôi còn sống, có thấy má tôi viết lách gì đâu".

Sinh thời bà Lan chỉ lo ruộng vườn nội trợ và chăm sóc chồng, chưa bao giờ bà nghĩ tới viết báo, làm thơ và viết văn. Nhưng vì quá yêu chồng, yêu những kỷ niệm đẹp thời niên thiếu, đồng học đồng môn với thi sĩ Yến Lan, nên bà Lan đã viết cuốn hồi ký "Yến Lan - Nhớ mãi về anh" khi bà đã ngoài 80 tuổi.

Cả cuộc đời bà Lan chỉ duy nhất viết một cuốn sách này.

LÊ HỒNG THIỆN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ Yến Lan lấy tên người yêu làm bút danh