Nhà thơ Tú Mỡ làm thơ trào phúng nổi tiếng từ những năm 30 của thế kỷ trước. Tập thơ trào phúng "Dòng nước ngược" của ông xuất bản năm 1936 đã được giải thưởng Tự lực văn đoàn. Thơ trào phúng của Tú Mỡ sắc xảo, phỉ báng những tệ nạn xã hội, thực dân, phong kiến. Trong giai đoạn chống Pháp - Mỹ, thơ ông cũng sắc xảo không kém, dùng bút "đánh" Mỹ - Ngụy với bút danh Bút Chiến Đấu. Nghe tên Tú Mỡ tưởng thân hình ông to béo "lắm mỡ" nên đặt bút danh Tú Mỡ, ngược lại, thân hình ông "cao dong dỏng, lại gầy gầy". Ông đặt bút danh Tú Mỡ cốt để nối nghiệp Tú Xương. Người ta bảo văn là người, người thế nào văn thế ấy, người hiền thì văn hiền. Với Tú Mỡ văn sắc xảo, tính nết thì hiền như đất, còn vui và hóm nữa kia. Một lần, con gái nhà thơ thổi cơm vừa sống, vừa khê, bị bà Tú quở mắng. Tú Mỡ cứ bình thản ngồi ăn, uống ngon lành, còn ứng khẩu ngay câu thơ:
"Sống - bùi - nát, dẻo - khê - thơm
Đố ai nấu được nồi cơm ba mùi"
Làm cả nhà phì cười, bà Tú bớt giận. Tú Mỡ nhìn cô con gái nói: "Con nấu cơm thế này là chưa giỏi và còn thiếu vị bùi". Một lần khác, rang tôm bị lỡ tay nên cô đổ nhiều đường. Đến bữa ăn, nhìn những con tôm bám đầy đường, Tú Mỡ vừa nhấm nháp vừa nhìn con gái "phê" khéo: "Con bé làm món mứt tôm thế mà giỏi".
Với các con là thế, đối với các cháu nội, ngoại, Tú Mỡ hiền từ như một ông tiên. Ông có tới vài chục bài thơ viết về các cháu, dí dỏm, ngộ nghĩnh cũng hết chê. Tú Mỡ đã cho xuất bản cả một tập thơ "Ông và cháu" dày ngót trăm trang. Bài "Cái bút tăng gia" ông viết:
"Sớm sớm theo ông ra đồi
Tay nâng không nổi cái cuốc:
- "Cháu cũng tăng gia ông ơi".
- "Búp tăng gia gì? - Ông hỏi
Búp ta hóm hỉnh trả lời:
- "Ông ạ, cháu tăng gia chuối,
Cháu lại tăng gia cả... xôi".
Ông ngắm cháu ngoan loắt choắt,
Phủi tay hôn cháu, cả cười:
"Ông chịu con nhà láu thật!
Tăng gia toàn thứ thích xơi..."
Đọc đoạn thơ trên, ta thấy Tú Mỡ đã nhập vai "nhí", ở đây ngòi bút ông hồn nhiên hơn cả trẻ thơ.
Đối với bạn già cùng trang lứa, Tú Mỡ hết sức vui, ông đưa yếu tố hài, trào lộng vào thơ để rồi cùng bạn cười sảng khoái.
Tháng 5-1976, Tú Mỡ chữa bệnh ở Bệnh viện Hữu Nghị, được tin Nguyễn Công Hoan nằm ở tầng trên, liền viết bài thơ "Gửi bác Hoan":
"Bác nằm ngoại khoa ở tầng cao
Ta muốn thăm nhau chẳng lẽ nào.
Gối hạc thằng tôi còn lỏng lẻo
Mình văn của bác vẫn lao đao.
Tôi sai cháu gái lên thăm hỏi
Nó bảo: Ông Hoan đã bảnh bao.
Tốt lắm: cái già tai ác thật!
Nó không nể bác, chẳng từ... tao
Từ tao tưởng là "xấc" nhưng cũng rất bình đẳng. Hai ông xấp xỉ bằng tuổi nhau, lúc già vẫn xưng tao thì thật quả ư tếu táo như học trò. Tú Mỡ mất năm 1976. Nguyễn Công Hoan mất năm 1977, chắc giờ ở thế giới bên kia hai ông vẫn "hài hước" với nhau như vậy, vui lắm!
LÊ HỒNG THIỆN