Từ những năm 50 của thế kỷ trước, ba tiếng "đi thực tế" đã trở thành một thuật ngữ trong ngành văn học nghệ thuật của nước ta. "Đi thực tế" có nghĩa là trong một khoảng thời gian nhất định, nhà văn tạm rời khỏi cơ quan, rời khỏi gia đình, đi về một địa phương nào đó hay một cơ sở sản xuất, một đơn vị quân đội nào đó để tìm hiểu cuộc sống và lấy tư liệu sáng tác. Các nhà văn, nhà thơ đều quen dùng cụm từ này nhưng chưa có ai dùng nhiều đến mức "lạm phát" như nhà thơ Trần Hữu Thung.
Nhà thơ Trần Hữu Thung (tác giả của những bài thơ nổi tiếng Thăm lúa, Anh vẫn hành quân) hay dùng cụm từ "đi thực tế". Anh là nhà thơ gắn bó máu thịt với ruộng đồng và bà con nông dân, thích tham gia công việc đồng áng và các hoạt động tập thể dân dã. Dù sống và làm việc ở Nghệ An hay ở Hà Nội, anh cũng đều thường xuyên "đi thực tế". Thấy anh mang cái lưới và nói "ta đi thực tế" là biết anh đi đánh cá. Thấy anh cầm cái thuổng, mang cái giỏ tre và nói "ta đi thực tế" là biết anh đi đào lươn. Khi đã nghỉ hưu, ở với vợ con tại khu tập thể Bệnh viện Diễn Châu, dăm bảy ngày anh lại đạp xe 20 km vào rừng thông Cầu Cấm vơ lá thông khô về làm củi đun, anh gọi là "đi thực tế rừng thông". Lúc trở về, sau xe anh chở một sọt tre đựng đầy ắp lá thông khô.
Một đêm tháng ba, trời nổi sấm chớp và sắp đổ mưa rào, anh thức dậy, hăm hở đi tìm giỏ tre và tìm củi để làm đuốc. Tìm củi ở đâu giữa đêm khuya? Anh nhanh trí ra bờ rào nhổ mấy cọc tre khô, đập giập ra rồi bó lại. Anh vừa làm vừa nói: "Mưa rào mùa này ếch ra nhiều lắm, ta đi thực tế bắt ếch"…
Trần Hữu Thung là một người rất ưa thích tìm hiểu đền chùa, miếu mạo. Chính vì vậy, nhà thơ thường có những chuyến "đi thực tế" đền chùa. Đi hết chùa ở nội thành Hà Nội, anh lại tìm đến các chùa ở ngoại thành, lên tận Sơn Tây để "đi thực tế". Trên chiếc xe đạp cà tàng, nhiều hôm, anh rong ruổi khắp các huyện, nghe nói ở đâu có đền, chùa là anh tìm đến, săm soi tìm hiểu với một niềm say mê kỳ lạ.
Không chỉ có thế, nhà thơ Trần Hữu Thung còn hay "đi thực tế"… vật. Ngày còn ở Nghệ An, nhà thơ là một đô vật nổi tiếng trong vùng. Vì vậy, khi đã rời quê đi công tác, hễ nghe nơi nào mở hội vật là Trần Hữu Thung tìm đến để xem, cổ vũ. Ham vật đến nỗi, khi về nhà, anh tổ chức đấu vật với một đô vật… tưởng tượng. Anh mặc quần đùi đánh trần và như đang làm những động tác vật với đối phương: cũng cài cánh gà, cũng léo lươn. Mồ hôi nhễ nhại, anh đè "đối phương" nằm ngửa, tay phải vỗ bụng "đối phương", đập bành bạch tay xuống nền nhà.
Từ những chuyến "đi thực tế" độc đáo đó, vốn hiểu biết của anh càng phong phú hơn, giúp những trang viết của anh luôn giàu chất liệu cuộc sống và tạo nên những bài thơ, bài bút ký, ghi chép giàu giá trị thực tế…
TRẦN VĂN LỢI